Câu chuyện đằng sau những bìa đĩa kinh điển

Việt Dũng · 2018-01-12 21:58:50 · 9065 lượt xem
image - Câu chuyện đằng sau những bìa đĩa kinh điển

Câu chuyện đằng sau những bìa đĩa kinh điển


Cùng với ca từ, giai điệu, bìa đĩa cũng có vai trò to lớn trong việc tạo nên danh tiếng cho một sản phẩm âm nhạc. Chúng không chỉ có công dụng bảo vệ đĩa nhạc bên trong mà còn có thể coi như một hình thức nghệ thuật. Ở đó sẽ thể hiện nội dung, phong cách, quan niệm của nghệ sĩ. Có những bìa đĩa đã trở thành biểu tượng cho ban nhạc, khiến chúng ta nhớ mãi. Câu chuyện phía sau mỗi bìa đĩa cũng là thứ khiến bìa đĩa càng trở nên đặc sắc, ấn tượng.


Led Zeppelin (1969) - Led Zeppelin

Led Zeppelin là album đầu tay được phát hành vào năm 1969 bởi nhóm nhạc cùng tên. Bìa đĩa là bức ảnh đen trắng về thảm hoạ tàu bay Hindenburg được chụp bởi Sam Shere. Đây cũng là hình ảnh giải thích tên gọi của nhóm. Lấy ý tưởng từ “lead balloon” (một từ mang hàm ý về sự thất bại), các thành viên trong nhóm đã bỏ chữ “a” và thay balloon thành zeppelin. Năm 2001, Greg Kot viết trên tạp chí Rolling Stone: "phần bìa của Led Zeppelin… thể hiện hình chiếc khí cầu Hindenburg, với mọi thứ vinh quang tột đỉnh của nó, bị thiêu cháy trong ngọn lửa. Hình ảnh đó chính là một minh họa xuất sắc cho những gì bên trong album: tình dục, thảm họa và cả những sự bùng nổ."


Abbey Road (1969) - The Beatles

Bìa đĩa Abbey Road của nhóm The Beatles ghi lại hình ảnh các thành viên trong ban nhạc băng qua con đường mang tên Abbey Road. Nhiếp ảnh gia Iain Macmillan chỉ mất 10 phút để ghi lại hình ảnh này cùng với sự giúp đỡ của cảnh sát để chặn dòng xe qua lại. Có lẽ chính Macmillan và The Beatles cũng không thể ngờ được góc phố Abbey Road sau này đã trở thành một địa điểm nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ và khách du lịch ghé đến để kỉ niệm, bắt chước lại hình ảnh của The Beatles.


The Dark Side of the Moon (1973) - Pink Floyd

Bìa album The Dark Side Of The Moon (1973) của Pink Floyd đã trở thành một trong những bìa album thành công nhất mọi thời đại. Vào thời điểm đó, Richard Wright(thành viên trong nhóm) cần một thiết kế bìa “thông minh, đơn giản và sang trọng hơn” và không phải ảnh chụp. Hình ảnh lăng kính với 6 màu (không có màu chàm) đã thể hiện ba yếu tố: ánh đèn sân khấu, ca từ trong album và cái “đơn giản và đậm nét” của Wright. Kể từ thời điểm đó, cứ nhắc đến hình ảnh lăng kính là mọi ngừoi sẽ liên tưởng đến Pink Floyd.


Unknown Pleasures (1979) - Joy Division

Bìa album Unknown Pleasures (1979) của Joy Division được thiết kế bởi Peter Saville. Trên bìa đĩa không hề có tên ban nhạc cũng như tên album mà chỉ có duy nhất một hình vẽ nhìn giống những dãy núi. Trên thực tế đó là hình ảnh mô tả sóng vô tuyến của sao xung (pulsar) đầu tiên được phát hiện mang tên CP 1919. Ảnh bìa của album Unknown Pleasures đã trở thành một biểu tượng và xuất hiện trong nhiều sản phẩm như áo phông, giày, thậm chí là cả hình xăm.


London Calling (1979) - The Clash

Phía sau hình ảnh bìa của London Calling là một câu chuyện thú vị về The Clash. Đó là hình ảnh chụp tay bass Paul Simonon đập chiếc Fender Precision Bass của mình tại sân khấu The Palladium ở New York vào ngày 21 tháng 9 năm 1979 trong một tour diễn. Trả lời phỏng vấn vào năm 2011, Simonon đã giải thích rằng ông đã đập chiếc bass của mình khi biết rằng các nhân viên không cho khán giả đứng lên khỏi chỗ của họ. Lúc đầu, Pennie Smith - người đã chụp bức ảnh không muốn sử dụng bức ảnh này bởi lẽ cô cho rằng nó đã bị mất nét. Nhưng rồi cuối cùng mọi người đều đồng tình rằng nó rất phù hợp để làm bìa album. Bức ảnh được Q Magazine đánh giá là bức ảnh rock n roll tuyệt nhất mọi thời đại. 

Việt Dũng · 2018-01-12 21:58:50 · 9065 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội