image - Nguyễn Lê Giang - Mình học Photoshop để được đường đường chính chính ghi dòng chữ "Designed by Giang"
Nguyễn Lê Giang - Mình học Photoshop để được đường đường chính chính ghi dòng chữ "Designed by Giang"

Cơ duyên nào đưa bạn đến với Graphic Design?

Từ lớp 6 mình đã bắt đầu tập tành chỉnh sửa hình ảnh trên Photoscape và Photoshop và mỗi khi mình chỉnh một tấm ảnh và tự ghi "Designed by Giang" thì không được công nhận vì mình chỉ chỉnh filter thôi. Vì vậy nên mình quyết định học Photoshop và quyết tâm làm sao để được ghi dòng "Designed by Giang". Từ đó thì mình bắt đầu thích thú và hiếu kì hơn với các phần mềm của nhà Adobe, và rồi bắt đầu con đường theo thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp.


Trong quá trình học thiết kế đồ hoạ, bạn cảm thấy khó khăn lớn nhất với mình là gì?

Khó khăn lớn nhất của mình có lẽ là phải cân bằng việc học ở 2 trường một lúc. Vì ban đầu ba mẹ không rõ mình học thiết kế ra thì có thể làm gì nên mình cần học thêm ngành Truyền thông ở RMIT theo nguyện vọng của gia đình, song song với đam mê của bản thân là thiết kế. Học nhiều thứ một lúc đã khó, mà "deal" với mẹ để được học cả hai nhưng vẫn đảm bảo sức khoẻ thì càng khó hơn.


Kể tên 3 người có ảnh hưởng nhất đến bạn trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ đi

Mình nghĩ là bản thân mình không có những influencer cố định, vì những ý tưởng mình tìm kiếm thường dựa vào khách hàng, vào cuộc sống thường nhật và những gì xảy ra xung quanh mình. Ngoài bạn bè, gia đình thì những cô chú người lao động bình thường ở đường phố Sài Gòn cũng chính là nguồn cảm hứng lớn để mình có thêm nhiều ý tưởng hơn.


Kể lại một dự án thiết kế đáng nhớ nhất của bạn cho đến thời điểm hiện tại

Dự án mà mình nhớ nhất có lẽ là dự án 3D làm robot hồi còn đi học với team chỉ có 3 thành viên. Trong chỉ vỏn vẹn 6 tháng của học kì về 3D và được làm về những thứ như robot chuyển động là điều rất thú vị kèm theo nhiều thử thách với những sinh viên trẻ như mình hồi đó. Trải qua những khó khăn trong việc teamwork, về những vùng kiến thức cực kỳ khó thì cuối cùng team mình cũng hoàn thành được nó, không biết có gọi là xuất sắc không nhưng mình vô cùng tự hào.


Nếu không làm designer nữa bạn sẽ làm gì?

Nếu không làm designer nữa thì mình sẽ mở một tiệm bánh. Nhưng thực ra mình nghĩ người thợ làm bánh cũng chính là một designer. Có thể họ sẽ không phải là người thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu cho đứa con tinh thần của mình, nhưng là người tự tay thiết kế ra những kiểu bánh này, kiểu bánh kia để hoàn thiện một chiếc menu thực sự độc đáo và thu hút.


Bạn có lời nào muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ đang có ý định theo đuổi thiết kế đồ hoạ không?

Mình nghĩ rằng để theo ngành sáng tạo một cách bền vững thì các bạn sẽ cần phải có đam mê. Đam mê không phải là thứ có thể tìm thấy ngay mà là kết quả của một quá trình dài. Các bạn có thể bắt đầu từ việc thử đi vẽ tranh, đi bảo tàng mỹ thuật xem mình có thực sự hứng thú không. Nếu các bạn có thể dành 1-2 tiếng đồng hồ chỉ để nhìn một bức tranh mà không chán, thì các bạn hoàn toàn nên thử theo ngành này.


Còn với những bạn đang bước đi trên con đường này rồi thì mình nghĩ xu hướng bây giờ là mọi người sẽ thích làm online nhiều hơn, nên sẽ cần mức độ tập trung cực kỳ cao và sự kiểm soát bản thân cực kỳ tốt. Bên cạnh làm việc online, học online cũng yêu cầu chúng ta tập trung cao và nắm được những kiến thức từ cơ bản nhất chứ không nên xem nhẹ. Chính những lý thuyết cơ bản tưởng chừng khô khan đó sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều trên đường dài.

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.

Margaret Oscar, designer