Hướng dẫn tự học thiết kế đồ họa cơ bản (Phần 2)

Kiều Anh · 2019-12-18 09:41:39 · 33423 lượt xem
image - Hướng dẫn tự học thiết kế đồ họa cơ bản (Phần 2)

Các bạn trẻ mới bắt đầu học thiết kế đồ hoạ luôn cần một lộ trình học cơ bản và hệ thống để đặt nền móng cho việc trở thành designer chuyên nghiệp. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các bước để học thiết kế đồ họa hiệu quả

Trong phần 1 Hướng dẫn tự học thiết kế đồ họa cơ bản, chúng ta đã tìm hiểu tổng quan về thiết kế và những công cụ cần thiết để bạn theo đuổi ngành học này. Ở phần 2 này, chúng ta sẽ tìm hiểu 6 bước giúp bạn tự học thiết kế hiệu quả nhé

6 bước tự học thiết kế đồ họa hiệu quả

BƯỚC 1: Học vẽ tay

Điều đầu tiên bạn được học trong các trường thiết kế là đó là vẽ phác thảo dựng hình rồi sau đó là môn fundamental (kiến thức nền tảng trong thiết kế đồ họa). Do đó, khi tự học thiết kế đồ họa, bạn cũng nên bắt đầu từ bước này.


Bạn không nhất thiết phải có khả năng vẽ siêu đỉnh như các họa sĩ, mà chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản mà thôi. Kỹ năng phác thảo các hình ảnh minh họa vẫn luôn cần thiết để designer nâng cao khả năng tư duy và biến các ý tưởng thành tác phẩm thiết kế dễ dàng hơn khi bắt đầu thiết kế trên máy tính.

Cuốn sách You Can Draw in 30 Days: The Fun, Easy Way to Learn to Draw in One Month or Less của Mark Kistler - Cuốn sách học vẽ gối đầu giường của rất nhiều graphic designer, sẽ là ‘người thầy’ dẫn dắt bạn!

Cuốn sách này không thực sự dạy bạn cách trở thành một nhà thiết kế đồ họa, nhưng nó dạy cho bạn những bước đầu tiên quan trọng nhất khi học thiết kế đồ họa: những điều cơ bản trong hội họa.

Bạn có thể tìm kiếm tất cả các thông tin cực hữu ích, chẳng hạn như cách đánh bóng và highlight vật thể, hay làm thế nào để thiết kế có chiều sâu và hình khối hơn, và các kỹ thuật khác nhau mà bạn có thể áp dụng trực tiếp khi sử dụng Adobe Illustrator.

Illustrator là phần mềm có khả năng dựng hình (vẽ) trên máy tính rất tốt, tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ qua kỹ năng vẽ tay. Học vẽ tay sẽ cho bạn biết khi nào phần đổ bóng của vật thể đi sai hướng hoặc khi nào thì các tỷ lệ bị rối tung. Và Illustrator cũng không dạy bạn cách đo tỷ lệ khi vẽ khuôn mặt người chẳng hạn. 

Với cuốn sách You Can Draw in 30 Days, chắc chắn bạn sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản để ‘biết vẽ cho đúng’. Bạn có thể dễ dàng tìm được bản PDF của cuốn sách này trên Internet.


BƯỚC 2: Nguyên tắc và lý thuyết thiết kế đồ họa

Có những nguyên tắc thiết kế ảnh hưởng đến mọi dự án thiết kế mà bạn sẽ làm. Hiểu các nguyên tắc này về mặt khái niệm và học cách áp dụng chúng trong thực tế sẽ giúp bạn đảm bảo tính thẩm mỹ cho các ấn phẩm của mình. Chúng ta hãy xem các yếu tố cơ bản bạn nên nghiên cứu trong thiết kế đồ họa là gì nhé.


Hình dạng, Khoảng cách và Nhịp điệu (Shape, Spacing, và Rhythm)

Khi mới tìm hiểu những nguyên tắc thiết kế cơ bản này, bạn có thể sẽ thấy chúng rất lạ lẫm và phải mất khá nhiều thời gian để quen với chúng. 

Shape - Hình dạng: mỗi một hình dạng (vuông, tròn, tam giác…) đều có những ý nghĩa khác nhau và cần được sử dụng phù hợp với cảm giác mà nó mang lại, chẳng hạn, hình tròn đại diện cho sự hoàn thiện, vĩnh cửu; hình vuông lại tạo cảm giác về sự chắc chắn.

Spacing - Khoảng cách hay không gian: yếu tố này giống như một dòng chảy len lỏi giữa các thành phần khác trong thiết kế, tạo sự “thông thoáng” và hài hòa cho bố cục.

Rhythm - Nhịp điệu: tạo ra sự dịch chuyển hay dòng chảy thị giác (đường dẫn thị giác), giúp người đọc nắm được các thông tin quan trọng mà thiết kế truyền tải.

Ở các trường thiết kế, sinh viên sẽ thực hiện project đầu tiên chỉ với việc vẽ các hình tam giác để truyền đạt cảm xúc thông qua vị trí, hình dạng và khoảng cách một mình. Dưới đây là một số tài nguyên tốt về các nguyên tắc này.

Sách tham khảo

  • The Principles of Design by Joshua David McClurg-Genevese
  • What is Graphic Design? Overview, Basics of Design Principles, and Design Elements

Màu sắc, kết cấu và hình ảnh (Color, Texture, and Imagery)

Hiểu những điều cơ bản của lý thuyết màu sắc và cách làm việc với màu sắc là rất quan trọng. Màu sắc có thể làm cho thiết kế nổi bật hoặc chìm nghỉm vào background. 

Việc sử dụng texture cũng góp phần tăng cảm giác cho một thiết kế. Trong thiết kế in ấn, texture có thể là cảm giác chân thực của giấy hoặc các vật liệu khác. Hình ảnh cũng có thể pha trộn với texture và được tải với màu sắc. Học cách cân bằng những thứ này là một nghề tinh tế sẽ cần một số thực hành để áp dụng tốt. Dưới đây là một số tài nguyên về sử dụng màu sắc, kết cấu và hình ảnh trong thiết kế đồ họa:

Sách tham khảo

  • Principles of Color Design by Wucius Wong
  • Texture in Graphic Design
  • The Basics of Graphic Design

Làm việc với Chữ viết

Khả năng sử dụng typo của bạn là một trong những điều khác biệt thiết kế đồ họa với các ngành nghề trực quan khác. Một phần lớn của thiết kế đồ họa là hiểu typography, phát triển kiến thức về kiểu chữ và cách áp dụng chúng trong thiết kế của bạn. Dưới đây là một vài tài nguyên tuyệt vời về typography:

Sách tham khảo

  • Typography Workbook: A Real-World Guide to Using Type in Graphic Design by Timothy Samara
  • A Typographic Workbook: A Primer to History, Techniques, and Artistry by Kate Clair and Cynthia Busic-Snyder
  • Thinking with Type: A Critical Guide for Designers, Writers, Editors, & Students by Ellen Lupton

Ngoài ra bạn có thể tham khảo bài viết Typography là gì? Những điều cần biết về typography để có cái nhìn rõ hơn về yếu tố này nhé

BƯỚC 3: Học các phần mềm thiết kế 

Nếu không thể sử dụng phần mềm thì bạn sẽ không thể trở thành một Graphic Designer được. Và với mỗi lĩnh vực thiết kế lại cần những phần mềm chuyên biệt.

- Thiết kế in ấn, xuất bản: Photoshop, Illustrator, Indesign, Corel

- Thiết kế giao diện web & app: Photoshop, Flash, Dreamweaver, Adobe Xd

- Thiết kế quảng cáo trực tuyến: Photoshop, Illustrator, Indesign, Powerpoint

- Thiết kế minh họa: Photoshop, Illustrator

- Thiết kế bao bì: Illustrator, Indesign, 3Dmax, Cinema4d

Càng nắm được nhiều công cụ thiết kế, bạn càng có khả năng hoạt động trên nhiều lĩnh vực thiết kế đồ họa, từ đó mở rộng các cơ hội việc làm cho bản thân. Tuy nhiên nếu bạn mới học thiết kế cơ bản thì nên bắt đầu làm quen với Photoshop và Illustrator. Bởi hai phần mềm này dễ học, dễ sử dụng và được dùng hầu hết trong các mảng thiết kế đồ họa.

BƯỚC 4: Thực hành và ‘bắt chước’

Trước hết, bạn chắc chắn cần biết rằng: Trong mọi trường hợp, bạn không nên vi phạm bản quyền tác phẩm của bất kỳ ai. Không bao giờ sao chép tác phẩm của người khác và cố gắng biến nó thành của riêng mình.


Việc bạn làm lại một thiết kế mà bạn thích không nhằm mục đích thương mại, mà đây là một cách để bạn học và đào sâu các kỹ thuật thiết kế. Giống như mổ xẻ một thiết kế, nó sẽ giúp bạn học các kỹ năng kỹ thuật mới, nó sẽ có ích khi bạn tạo ra các thiết kế của riêng mình.


Bạn sẽ phải sáng tạo bằng phương pháp khác để làm lại thiết kế, vì vậy bài tập này sẽ giúp bạn vận dụng cả hai phần trái - phải của bộ não. Đừng nản lòng nếu bạn không thể sao chép chính xác một thiết kế - hãy nhớ rằng, quá trình này quan trọng hơn kết quả.

Tìm một thiết kế mà bạn nghĩ là thành công - sẽ dễ dàng hơn nếu bạn tạo một list cảm hứng - và sử dụng phần mềm ưa thích của mình để ‘đồ’ lại nó, cho dù đó là Photoshop, Illustrator hay phần mềm khác. 

BƯỚC 5: Học các kiến thức khác

Bên cạnh kiến thức thiết kế đồ họa chuyên môn, bạn cần không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức đa ngành để bắt nhịp xu hướng cũng như đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Kiến thức marketing thương hiệu rất cần thiết khi bạn hoạt động trong lĩnh vực thiết kế quảng cáo hoặc thiết kế nhận diện thương hiệu. Design chính là công việc cụ thể hoá những nội dung của Marketing thành các sản phẩm đồ hoạ. Do đó, có hiểu biết về Marketing sẽ giúp bạn thấu hiểu hành vi của khách hàng (người xem) hơn, từ đó truyền tải phần hình ảnh của sản phẩm, thương hiệu rõ ràng và chính xác hơn.

Kiến thức về các ngôn ngữ lập trình HTML, CSS, JavaScript đặc biệt cần thiết đối với các UI/UX designer để bạn có thể làm việc ăn ý với các nhà phát triển phần mềm và mang đến trải nghiệm thân thiện với người dùng app 

Kiến thức in ấn, quản lý màu chủ yếu cần thiết với các nhà hoạt động ở mảng thiết kế in ấn, xuất bản. Nắm vững các kỹ thuật này cho phép bạn kiểm soát chất lượng sản phẩm cuối cùng một cách tốt nhất, màu sắc đúng với bản thiết kế cũng như chọn được kỹ thuật in ấn phù hợp với sản phẩm, tránh việc in đi in lại nhiều lần. Nắm vững các lưu ý khi thiết kế in ấn là điều rất quan trọng với tất cả các designer muốn tham gia vào ngành này.

Ngoại ngữ

Thực tế, để trở có thể hoạt động tốt trong ngành thiết kế đồ họa, bạn cũng nên "biết tiếng Anh". Tại sao điều này cần thiết? Bởi, bạn có thể:

- Học sử dụng nhanh các phần mềm chuyên dụng. 

- Dễ dàng cập nhật, tiếp cận các xu hướng thiết kế mới trên thế giới.

- Có cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài, nhận dự án thiết kế từ các website dành cho Freelancer nước ngoài.

BƯỚC 6: Xây dựng Portfolio

Bạn không cần phải đến một trường thiết kế ‘sang chảnh’ để có được công việc của nhà thiết kế. Nhưng bạn cần một portfolio đủ mạnh để gây ấn tượng.

Làm thế nào để bạn xây dựng một portfolio khi bạn mới chỉ là dân nghiệp dư? Tham khảo bài viết 6 bước xây dựng portfolio nổi bật để có một bản portfolio ấn tượng nhé

Tạm kết,

Hi vọng 6 bước hướng dẫn học thiết kế đồ họa trên đây sẽ giúp bạn tự học một cách hiệu quả. Nếu bạn yêu thích thiết kế và muốn có một lộ trình học thiết kế bài bản, tham khảo khóa học thiết kế chuyên sâu tại colorme nhé

Kiều Anh · 2019-12-18 09:41:39 · 33423 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội