‘’Thị Mầu’’ của Hòa Minzy và công nghệ 3D Mapping siêu ấn tượng
Một trong những bài hát trending nhất tháng 3 vừa rồi chính là sản phẩm ‘’Thị Mầu’’ của Hòa Minzy. Không chỉ thu hút bởi giai điệu hiện đại, sôi động kết hợp hài hòa cùng những chất liệu dân gian Việt Nam, phần visual sử dụng nghệ thuật 3D Mapping cũng khiến cho người xem vô cùng choáng ngợp.
- Full lộ trình học thiết kế dành cho sinh viên
- Tạo Logo Intro với hiệu ứng Golden Logo - Hướng dẫn After Effects
- Illustrator là gì? Full lộ trình học Illustrator từ cơ bản dành cho người mới bắt đầu
- Geometric Pattern · họa tiết hình khối
- “Tất tần tật” bí kíp khai phá tiềm năng của phần mềm CapCut để bạn tự tin sản xuất video chất lượng
- 10 kỹ năng mềm mọi UI/ UX designer đều nên biết (phần 1)
Công nghệ trình chiếu 3D Mapping là kỹ thuật sử dụng ánh sáng, hình ảnh để tạo ra các hiệu ứng 3D trên một bề mặt dù không bằng phẳng, đồng thời giúp các khối hình ảnh trong không gian ba chiều tương tác với vật thể thật. Được biết, phần visual này được vẽ bởi bạn Nguyễn Bùi Thiện (Nấm Nguyễn) - một họa sĩ minh họa tự do chuyên về minh họa visual sân khấu.
Để có được phần chiếu 3D Mapping ấn tượng như vậy, đạo diễn Nhu Phạm tiết lộ: "Ekip sẽ cần phải làm kỹ việc lockshot trước, đo đạc kích thước bối cảnh sau đấy về thiết kế theo kích thước đúng với kích thước bối cảnh, tiếp đến làm chuyển động rồi sau đó kiểm tra thử dưới điều kiện ánh sáng bối cảnh. Các công đoạn này sẽ tốn thời gian tiền kỳ hơn các dự án khác mà tôi đã thực hiện. Chưa kể sẽ có rủi ro nếu muốn thay đổi nội dung sẽ rất khó, và tốn thời gian khi thiết kế và chiếu kiểm tra lại".
Thành quả cuối cùng với những phần trình chiếu 3D Mapping cực kì mãn nhãn đã minh chứng cho sự đầu tư và nỗ lực không ngừng của cả ekip. Đây chắc chắn sẽ là một MV ‘’để đời’’ trong sự nghiệp âm nhạc của Hòa Minzy.
Phần visual đồ họa được trau chuốt tỉ mỉ
Phần visual này được vẽ bởi bạn Nguyễn Bùi Thiện (Nấm Nguyễn) - một họa sĩ minh họa tự do chuyên về minh họa visual sân khấu. Về mặt chất liệu của sân khấu chèo đều được team Startling Production tổng hợp như chiếu chèo hay các dạng hoa văn thích hợp. Từ đó Nấm Nguyễn đã tìm thêm tư liệu, tham khảo nhiều hình ảnh về sân khấu chèo, tranh Hàng Trống, hoa văn cung đình,... sau đó đi đến sketch dựng hình.
Phần màu sắc và cách phối hoa văn cũng được chú ý hơn vì màu sắc phải rực rỡ để hiệu ứng chiếu được nổi bật, hay hoa văn sẽ chọn lọc để tránh các yếu tố trang nghiêm như rồng, phượng, hoa sen,.. vì sẽ không phù hợp với nhân vật Thị Mầu.
Thiện cũng chia sẻ thêm: ‘’Tất cả quá trình minh họa trên được mình thực hiện với ekip qua nhiều round trong vòng 1 tháng. Khi xem MV sau cùng, các artwork đều được ekip các anh chị motion và mapping rất ấn tượng và ngoài mong đợi của mình khiến đây trở thành một trải nghiệm rất đặc biệt và vô cùng khó quên’’
Đằng sau sự ''ảo diệu'' của công nghệ 3D Mapping
3D Mapping được trau chuốt kỹ lưỡng sẽ thu hút được tối đa các cấp độ giác quan, đưa họ vào những cuộc hành trình kỳ diệu và xây dựng các kết nối sâu sắc. Trong MV Thị Mầu của Hòa Minzy, 3D Mapping đóng vai trò cốt lõi truyền tải hình ảnh và những nét đậm chất của loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian để khán giả.
Điểm thuận lợi của việc sử dụng công nghệ 3D Mapping theo đạo diễn MV Thị Mầu chia sẻ khi chiếu trực tiếp lên bối cảnh là diễn viên và các thành viên đôi ngũ có thể thấy trực tiếp hình ảnh ở trên bối cảnh, qua đó tưởng tượng cũng như tương tác sẽ chính xác hơn và chân thực hơn.
"Câu chuyện của MV diễn ra chủ yếu vào buổi đêm, nên việc chiếu cũng sẽ có thuận lợi hơn bởi giữ được mật độ ánh sáng vừa đủ, không cần quá sáng bởi nếu làm Visual Effect thì cần có ánh sáng đủ sáng để có thể làm được hiệu ứng và đạt được hiệu quả. Ngoài ra việc chiếu trực tiếp lên bối cảnh, việc di chuyển máy quay sẽ được linh hoạt hơn. Còn làm VFX thì về mặt kỹ thuật, việc tracking, roto các frame hình sẽ tốn nhiều hơn gian và chi phí hơn" - đạo diễn Nhu Đặng chia sẻ về điểm vượt trội của công nghệ 3D Mapping. (Nguồn thông tin: viez.vn)
Đội ngũ sản xuất cho biết có thiết kế riêng như chiếc chiếu chèo, mái đình, hoạ tiết trên cột điện, xe chở rác, các hoạ tiết chiếu trên mặt Hòa Minzy... Ngoài ra còn có những hoạ tiết chất liệu liên quan đến Chèo như dải lụa, hoa, quạt… cũng được chuẩn bị tỉ mỉ. Vì Chèo là loại hình nghệ thuật miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, nên các hoạ tiết, chất liệu sử dụng cũng cần phải phù hợp và dân dã.
Từng động tác và chuyển động của Thị Mầu kết hợp cùng kỹ xảo mapping, mở ra một không gian vừa thân thuộc, vừa truyền thống và huyền ảo qua những hình ảnh cột đình, bông hoa, tấm chiếu… Hòa Minzy cho biết cô đã rất khó khăn để diễn xuất với công nghệ 3D Mapping chiếu trực tiếp lên bối cảnh chứ không phải là hậu kỳ.
Hòa Minzy tiết lộ, phần mapping trong MV "Thị Mầu" đã nâng chi phí sản xuất lên rất cao:
“Kịch bản "Thị Mầu" đã ra đời từ 3 - 4 năm trước, lúc đó kinh tế của tôi không được như bây giờ nên tôi từng cân nhắc rất nhiều. Thật may khi đến thời điểm này, tôi mới làm MV nhưng toàn bộ ê-kíp vẫn giữ được tinh thần tốt cho tác phẩm.
Hiện tại, chi phí quay MV với tôi không còn khó khăn như trước, nhờ sự ủng hộ của khán giả nên tôi cũng tiết kiệm được trong khả năng để đầu tư lại vào âm nhạc. MV "Thị Mầu" không có bất kỳ nhà tài trợ nào vì tôi không muốn đưa quảng cáo vào sản phẩm một cách khiên cưỡng nên đây hoàn toàn là tiền của bản thân tôi”
Quá trình đi từ ý tưởng đến thực tiễn
Được biết ý tưởng trong MV Thị Mầu được đạo diễn Nhu Đặng có suy nghĩ, thảo luận từ năm 2020. Khi đó, anh cùng một số người bạn biết được công nghệ 3D Mapping nhưng chỉ sử dụng trong studio hoặc mapping cho các tòa nhà. Khi sử dụng 3D Mapping đòi hỏi phải tính toán kỹ bởi điều kiện ánh sáng bên ngoài khác studio, việc chiếu cũng như kích thước hình dáng phải tương đồng với bối cảnh.
Trong MV Thị Mầu, theo anh Nhu Đặng nhận xét điểm hạn chế lớn nhất của công nghệ 3D Mapping là ở thời gian setup và khả năng linh hoạt trong thời điểm ghi hình:
"Công nghệ này sẽ phù hợp với những dự án quay đêm hoặc trong studio, trong điều kiện ánh sáng có lợi cho máy chiếu và có nhiều thời gian chuẩn bị. Ngoài ra bạn rất dễ bị lộ bóng máy chiếu, chính vì vậy bạn cần tính toán góc máy cho hợp lý, cũng như một số thủ thuật để cắt bóng. Nếu dự án cần quay với ánh sáng tốt hơn và ưu tiên tính linh hoạt thì công nghệ VFX vẫn là 1 giải pháp hữu hiệu và an toàn hơn".
Tuy nhiên thành quả cuối cùng còn hơn cả kì vọng của mọi người khi ‘’Thị Mầu’’ đã mang đến những hiệu ứng thị giác vô cùng ấn tượng.
LỜI KẾT
MV ''Thị Mầu'' chính là một minh chứng rõ ràng cho việc những nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam đang dần tạo nên những tác phẩm tuyệt vời với sự kết hợp của nghệ thuật, văn hóa và công nghệ.
Mong rằng bài viết trên đã đem lại những thông tin hữu ích cho bạn. Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về vẽ minh họa thì hãy tham khảo ngay Khóa học Digital Painting dành cho người mới bắt đầu tại colorME nhé.
Đừng quên theo dõi Blog và Fanpage của colorME để cập nhật các tin tức và công cụ, xu hướng thiết kế trong thời gian tới bạn nhé!