Phân biệt Art Director và Creative Director. Bạn phù hợp với vị trí nào hơn?
Chắc hẳn nếu bạn là người đam mê sáng tạo và muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này, một trong những đích đến của bạn sẽ là vị trí Creative Director hoặc Art Director. Vậy bạn đã phân biệt được hai vị trí này chưa? Tuy cả hai đều là những vị trí quan trọng trong ngành sáng tạo, nhưng Creative Director và Art Director lại có những điểm khác biệt rõ rệt về trách nhiệm và công việc. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt hai vị trí này và xác định vị trí nào phù hợp với bản thân hơn.
- Vì sao tân sinh viên nên sở hữu chứng chỉ Photoshop từ sớm
- Maximalism là gì? Phá vỡ lối mòn thiết kế với maximalism
- TIME-LAPSE LÀ GÌ? CÁC BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ TẠO VIDEO TIME-LAPSE ẤN TƯỢNG
- Standee là gì? Những nét đặc trưng của Standee
- Cách tạo Video từ ảnh online đơn giản nhất
- Tìm hiểu về ngôn ngữ hình ảnh cùng hoạt hình pixar
1. Art Director và Creative Director là gì?
Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái niệm Creative Director (Giám đốc Sáng tạo) và Art Director (Giám đốc Nghệ thuật) để có cơ sở phân biệt sự khác nhau giữa hai vị trí này nhé!
Art Director và Creative Director: Creative Director (Giám đốc Sáng tạo) là gì?
Creative Director, hay còn gọi là Giám đốc sáng tạo, là người lãnh đạo và định hướng các hoạt động sáng tạo trong một doanh nghiệp, đảm bảo tính hiệu quả truyền tải thông điệp sáng tạo cho các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Creative Director hay Giám đốc Sáng tạo (Nguồn: sưu tầm)
Nhìn chung, Creative Director thường phát triển và giám sát các dự án ngay từ giai đoạn đầu của dự án. Họ có vai trò chính trong việc phát triển ý tưởng, tầm nhìn sáng tạo của dự án. Có thể nói rằng, bằng tầm nhìn của mình, những Creative Director có thể nhắm mắt lại và nhìn thấy sản phẩm hoàn chỉnh, ngay cả khi sản phẩm đó chưa được tạo ra.
Art Director và Creative Director: Art Director là gì?
Art Director, hay còn gọi là Giám đốc nghệ thuật, là người đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo và thực thi các dự án sáng tạo cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Trong khi Creative Director định hướng ý tưởng cho dự án, thì Art Director hay Giám đốc Nghệ thuật sẽ đóng vai trò quan trọng trong khâu thực thi và đảm bảo tính thẩm mỹ của dự án. Art Director đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo, ấn tượng và hiệu quả và là người kết nối ý tưởng sáng tạo với thực tế, biến những ý tưởng thành những sản phẩm thực tế.
2. Phân biệt Art Director và Creative Director
Điểm khác biệt lớn nhất của Art Director và Creative Director nằm ở giai đoạn của dự án mà họ phụ trách. Nếu Creative Director phụ trách chính giai đoạn đầu và giám sát quá trình thực hiện của dự án ở các giai đoạn sau, thì Art Director sẽ phụ trách chính giai đoạn thực thi của dự án. Cùng colorME tìm hiểu kỹ hơn về sự khác biệt này để có thể lựa chọn được vị trí phù hợp nhất với tiềm năng của mình nhé!
Phân biệt Art Director và Creative Director: Công việc của Art Director
Một Art Director sẽ lãnh đạo một nhóm artist thực thi dự án, xác định các yếu tố nghệ thuật nào sẽ được sử dụng từ màu sắc, phông chữ,... và xác định cách tốt nhất để thể hiện ý tưởng của Creative Director.
Art Director cũng có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quảng cáo, phim trường, các công ty quan hệ công chúng, với các nhà sản xuất và đạo diễn sân khấu và truyền hình, hoặc tại các nhà xuất bản sách và tạp chí. Chính vì vậy mà một Art Director có thể sẽ cần tham gia thực thi nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau từ thiết kế, in ấn, bao bì hay đạo cụ, sơn hay trang trí bối cảnh. Để trau dồi những kiến thức mỹ thuật và kỹ năng cần thiết cho công việc thực thi như vậy, bạn có thể tham khảo khóa học Thiết Kế Đồ Hoạ Đa Phương Tiện của colorME.
Phân biệt Art Director và Creative Director: Công việc của Creative Director
Vậy Creative Director làm gì? Bạn sẽ thấy Creative Director tham gia các cuộc họp với khách hàng, dẫn dắt các buổi brainstorming của nhóm và đi đầu trong các khái niệm ban đầu của một dự án. Họ vạch ra các kế hoạch tương lai và đảm bảo kết quả và quá trình phù hợp với các mục tiêu của khách hàng.
Creative Director phải hiểu toàn bộ quá trình sáng tạo và sẽ quản lý một dự án từ đầu đến cuối, bao gồm cả việc thực thi đã có sự quản lý của Art Director nhằm đảm bảo cách duy trì hình ảnh thương hiệu, cách thực hiện quy trình thiết kế cho từng sự kiện đều phải phản ánh ý tưởng lớn của dự án. Tùy thuộc vào quy mô của công ty, Creative Director có thể tham gia sâu hơn vào các khâu thực thi chi tiết cùng với team, nhưng cũng có thể quan sát từ xa và điều hướng để dự án truyền tải đúng thông điệp xuyên suốt nhất.
3. Art Director và Creative Director, nên theo đuổi vị trí nào?
Nhìn chung, nếu bạn thích lên ý tưởng tạo ra các concept, thông điệp sáng tạo và thuyết phục các bên liên quan về ý tưởng đó, thì vị trí Creative Director sẽ phù hợp với bạn. Còn nếu bạn muốn trực tiếp tham gia vào việc biến các khái niệm thành sản phẩm thực tế thì vị trí Art Director sẽ là lựa chọn lý tưởng.
Trước hết, bạn nên tự hỏi mình là người nhìn vào bức tranh toàn cảnh hay là người chú trọng từng chi tiết, bởi phần lớn những người hướng đến bức tranh toàn cảnh có thể sẽ thích hợp hơn với vị trí Creative Director đưa ra các ý tưởng sáng tạo cho dự án. Ngược lại, những người yêu thích làm việc với các chi tiết, thực tế, biến ý tưởng thành sản phẩm sẽ thích hợp hơn với vị trí Art Director.
Việc nên lựa chọn theo đuổi vị trí Art Director hay Creative Director không phải là một quyết định bạn cần phải vội vàng đưa ra khi vừa mới bắt đầu sự nghiệp sáng tạo. Trước hết hãy dành thời gian tích lũy kinh nghiệm và kiến thức ở các vị trí như Junior Graphic Designer, Brand Designer để nhận biết thế mạnh của mình. Hãy tận dụng thời gian đó để học hỏi từ những người đi trước, từ những nguồn tham khảo trên Internet hoặc những khóa học thiết kế có thể kể đến như khóa học Thiết Kế Đồ Hoạ Đa Phương Tiện của colorME, và sau đó bạn sẽ có lựa chọn của riêng mình.
Tạm kết
Qua bài viết này, bạn đã biết những vai trò và trách nhiệm khác nhau của Creative Director và Art Director. Nhìn chung, Creative Director là những người visionaries (người có tầm nhìn xa), những người duy trì cái nhìn toàn diện về một dự án để đảm bảo nó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, và Art Director sẽ chịu trách nhiệm thực hiện từng bước trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tính thẩm mĩ và cách truyền tải ý tưởng của Creative Director hiệu quả nhất.
Hãy bắt đầu hành trình theo đuổi hai vị trí này bằng việc học tập và tích lũy. Khi bạn theo học và nắm được các kỹ năng kỹ thuật và kiến thức nền tảng về thiết kế, truyền thông trực quan,..., bạn sẽ có nhiều cơ sở hơn để lựa chọn theo đuổi một trong hai vai trò sáng tạo đang rất được quan tâm này. Nếu bạn là người mới bắt đầu, khóa học Thiết Kế Đồ Hoạ Đa Phương Tiện với lộ trình học rõ ràng từ cơ bản đến nâng cao sẽ là một lựa chọn phù hợp với bạn.