5 lĩnh vực cần nên biết thêm khi bạn là một Graphic Designer
5 lĩnh vực cần nên biết thêm khi bạn là một graphic designer
Chúng ta không cần thiết phải trở thành những con người chuyên nghiệp trong 5 lĩnh vực dưới đây, tuy nhiên do tính chất công việc của thiết kế đồ họa phải tiếp xúc và va chạm nhiều đến các công việc khác, các designer không nên ngần ngại trang bị thêm cho mình những hiểu biết về những lĩnh vực này. Hãy cùng thử điểm lại 5 lĩnh vực này nhé <3
- 1. Marketing và Truyền thông
Rất nhiều các sản phẩm thiết kế đồ họa được dùng cho các chiến dịch và hoạt động truyền thông và marketing, vì vậy việc các graphic designer tìm kiếm cho mình các kiến thức về 2 lĩnh vực này chắc chắn sẽ giúp tạo ra các sản phẩm thực sự “đi vào lòng người”.
Đơn giản như nếu biết chọn định dạng nào để đăng được những bức ảnh chất lượng tốt nhất trên các nền tảng Internet khác nhau, hay biết về các chính sách ưu tiên hình ảnh của facebook như luật 20% text overlay, luật hạn chế ảnh before/after của các banner quảng cáo,… sẽ giảm thiểu rất nhiều thời gian trong khâu chỉnh sửa nhờ thực hiện những thủ thuật “lách luật” đơn giản ngay từ đầu =))))
Hay như cách nhìn vào insight của người trải nhiệm, cách bạn hiểu về sản phẩm hay chiến dịch như một nhà truyền thông, marketer có thể khiến sản phẩm của bạn được đón nhận nhiều hơn.
Khi biết thêm các kiến thức về truyền thông và marketing bạn sẽ biết mình không nên chỉ đánh giá sản phẩm của mình bằng con mắt của một designer mà còn có thể dùng thêm nhận định của 1 marketer. Giúp ta cởi mở hơn ngay cả khi có những thay đổi của khách hàng đưa ra cho bản thiết kế nhìn không “hợp mắt” chút nào, vì bạn hiểu có thể nó không đẹp và ấn tượng bạn như trước nhưng lại có thể mang lại những hiệu quả truyền thông không ngờ tới.
- 2. IT
Cũng giống như truyền thông và marketing, IT là lĩnh vực mà các graphic designer cần làm việc cùng rất nhiều, vì vậy việc biết chút ít về công nghệ hoàn toàn có thể khiến công việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Khi hiểu và biết về ngôn ngữ của nhau sẽ dễ đồng cảm sâu sắc và tránh việc bất đồng “ngôn ngữ” trong quá trình cộng tác.
Ngoài ra, biết dù chỉ là chút ít về code và ngôn ngữ lập trình, các designer hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm hay ho hơn rất nhiều.
- 3. Luật
Tại sao lại là luật? Nghe thật rắc rối đó ; v ;
Bạn nên hiểu về luật, đầu tiên là để biết về quyền và quyền lợi của mình, từ đây có thể có các biện pháp bảo vệ chất xám, tránh bị đánh cắp và lừa đảo. Sự thật tình trạng làm việc dựa trên niềm tin mà không làm hợp đồng hợp pháp hay không đăng ký bản quyền… không phải là hiếm thấy trên thị trường hiện nay, đặc biệt là với những cá nhân hoạt động nhỏ lẻ, freelancer không chịu sự quản lý của agency nào. Nguyên nhân có thể do thiếu hiểu biết và nhận thức về quyền và luật pháp, muốn cắt giảm chi phí và thời gian làm việc, hay đơn giản là vì ngại tiếp xúc với những thủ tục lằng nhằng. Điều này khiến các designer trở thành những đối tượng rất dễ bị “tổn thương” và dễ rơi vào tình trạng bị quỵt tiền, bị bóc lột. Vì vậy, mỗi designer nên nâng cao nhận thức về luật và thi hành luật.
Lợi thế trong việc được học và tiếp xúc với luật nghiêng về phía các designer tham gia học tại các trường đại học, cao đẳng hay các trung tâm hơn những người tự học (do ở các cơ sở đào tạo này luôn có các môn học về Luật như Luật đại cương, Luật bản quyền, Luật lao động…) Điều này không có nghĩa những người tự học không thể trang bị cho mình các kiến thức về luật và những người đã học không tự tìm hiểu thêm kiến thức.
- 4. Gia công, in ấn
Sự thật, việc các nhà in hay nơi gia công có những cảm xúc tiêu cực với phía thiết kế không ít hơn sự “bực dọc” mà các designer dành cho các khách hàng thân yêu :* Ví dụ như set không đúng hệ màu, nhầm định dạng file, không căn vùng trượt xước,… Điều này thường xảy ra với những designer khi mới bắt đầu thiết kế sản phẩm bao bì, in ấn,… Những xung đột này hoàn toàn có thể được “hóa giải và phòng tránh” khi chúng ta chịu tìm hiểu kỹ hơn về nhau.
Vì vậy đừng ngại tham gia những chuyến đi thực tế xuống xưởng in ấn, gia công để tích cóp thêm cho mình những kinh nghiệm quý báu. Tìm tòi các nguyên lý hoạt động, học hỏi từ những người đi trước thực sự sẽ cứu cánh cho bạn trong rất nhiều trường hợp.
- 5. Hội họa
Một lĩnh vực liên quan rất nhiều với graphic design. Chắc chắn một designer rất cần có kiến thức của mỹ thuật và hội họa như cách tạo hình, sử dụng màu sắc,… Hội họa cũng giúp tăng con mắt thẩm mỹ và phần “nghệ sĩ” trong con người những nhà thiết kế đồ họa. Đồng thời, nếu bạn có khả năng vẽ tay sẽ là một lợi thế cực kỳ lớn khi làm việc. Vì vậy, đừng ngại luyện tập để nâng cao kỹ năng và hiểu biết về hội họa.
Không chỉ vậy, hiểu và sử dụng các chất liệu trong hội họa như chì, than, màu nước, sơn dầu,… chắc chắn sẽ là những trải nghiệm và kỹ năng cực kỳ thú vị mà chúng ta không nên bỏ lỡ.