Art Nouveau là gì? Phong cách Art Nouveau trong thiết kế đồ hoạ

Mạnh Hùng · 2020-01-19 20:24:50 · 54736 lượt xem
image -  Art Nouveau là gì? Phong cách  Art Nouveau trong thiết kế đồ hoạ

Art Nouveau là thuật ngữ thi thoảng được xuất hiện trên báo chí khi viết về kiến trúc và hội họa. Vậy Art Nouveau là gì và phạm vi ảnh hưởng của nó có phải chỉ trong kiến trúc và hội họa không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

I. Art Nouveau là gì?

1. Khái niệm Art Nouveau

Art Nouveau là một trường phái nghệ thuật quốc tế khởi nguồn từ châu Âu, xuất hiện cuối thế kỉ 19 và tồn tại đến đầu thế kỷ 20, trước Thế chiến I.
Art Nouveau trong tiếng Pháp là “nghệ thuật mới”, còn được biết đến với nhiều cái tên như Jugendstil - tức nghệ thuật trẻ trong tiếng Đức, Stile Liberty (tiếng Ý), Modernisme (Tây Ban Nha). Ở nước ta, thuật ngữ này được Việt hóa với cái tên là trường phái “Tân nghệ thuật”.

Trào lưu này được đặt tên theo một cửa hàng ở Paris hoạt động với mục đích thúc đẩy và ủng hộ cho các ý tưởng nghệ thuật hiện đại: "la Maison de l? Art Nouveau". Nó chịu ảnh hưởng của nghệ thuật biểu trưng về sự chia sẻ sự quan tâm đến các chi tiết đẹp, cũng như chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật Celtic và Nhật Bản. Art Nouveau nở rộ ở Anh cùng với trào lưu tiến bộ Art & Craft, nhưng đã thực sự thành công trên toàn thế giới.

Art Nouveau được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực thiết kế như công trình kiến trúc, nghệ thuật trang trí (đồ trang sức, nội thất, dệt may, đồ chế tác bằng bạc, đèn chiếu sáng..), nội thất và hội họa.

 Đèn bàn Tiffany

Trang sức theo phong cách Nouveau

 Toà nhà Casa Batlló tại Barcelona

2. Đặc điểm của Art Nouveau

Phong cách Art Nouveau nổi bật bởi tính hoa mỹ, lượn sóng, các đường thẳng bất đối xứng, các họa tiết cách điệu hóa từ hình thức tự nhiên (hoa và cây), hình ảnh tiên nữ cùng các đường cong mềm mại (vòng cung, parabol, và hình bán nguyệt)… Nhìn chung khá phức tạp và tỉ mỉ, thế mới thấy những người nghệ sĩ cổ đại tài hoa thế nào. 

3. Ứng dụng của Art Nouveau

Art Nouveau ứng dụng rộng rãi nhất trong kiến trúc và trang trí-điêu khắc, cùng với đó là một kho tàng tác phẩm hội họa còn sót lại. 

The Scream - tác phẩm trong giai đoạn đầu Art Nouveau

Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của Art Nouveau là Tòa tháp Eiffel khánh thành năm 1889 ở Pháp. Trên khắp châu Âu ngày nay vẫn còn những dấu tích của Art Nouveau trên hàng loạt công trình kiến trúc và trang trí. 

Công trình biểu tượng của nước Pháp cũng áp dụng phong cách Art Nouveau

Không chỉ xuất hiện ở châu Âu, do những biến cố lịch sử thế kỉ 19-20, dấu ấn của phong trào này cũng theo chân người Pháp, Anh đến châu Á. Hiện nay ở Việt Nam, những di tích đậm chất Art Nouveau vẫn còn tồn tại ở giữa lòng thủ đô Hà Nội cổ kính. Có thể kể đến một số công trình đã quen thuộc với nhiều người dân nơi đây như Nhà hát lớn Hà Nội, Tòa soạn báo Hà Nội mới, Nhà khách chính phủ (trước là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ),...

Tòa soạn báo Hà Nội mới (trước là trụ sở báo I'Avenir du Tonkin)

Mái che lối vào chính của Nhà khách chính phủ

Cầu thang chính Nhà khách chính phủ

Trong kiến trúc hiện đại ngày nay thì chỉ những công trình đặc biệt như phim trường, khu vui chơi, quán cafe...còn sử dụng phong cách Art Nouveau. Ở châu Âu thì một số tòa nhà, bảo tàng, ga tàu điện vẫn còn lưu giữ hình ảnh của trào lưu đình đám một thời này. 

Ga tàu điện ngầm Hector Guimard Paris   

Nội thất theo phong cách Art Nouveau

Một chiếc ghế với dáng vẻ cổ kính tuyệt đẹp

4. Art Nouveau và Art Deco.

Khoảng năm 1910 thì Art Nouveau bắt đầu được thay thế bởi Art Deco - Phong cách Nghệ thuật thị giác. Art Deco là sự kế thừa từ Art Nouveau và bản thân sự kế thừa đó đã có một sự cách mạng đáng kể.

Motif Art Deco

Việc sử dụng hình dạng trang trí có lẽ là cách dễ dàng nhất để so sánh giữa Art Nouveau và Art Deco. Nếu Art Nouveau sử dụng các đường cong, các hình thức tự nhiên như tiên nữ, côn trùng và cỏ dại (điển hình trên đèn Tiffany) thì Art Deco ưa chuộng các đường thẳng ngang, đường tuyến tính đặt theo mọi cách sắp xếp. Art Deco thanh mảnh, gọn ghẽ, có đối xứng với những motif như tam giác, đường zigzag, hình bình hành… tượng trưng cho những bước tiến trong thương mại, tiến bộ khoa học kỹ thuật và tốc độ.

Họa tiết trang trí Art Nouveau

Họa tiết trang trí Art Deco

Phong cách nghệ thuật Art Nouveau thiên về tính thẩm mỹ. Art Nouveau ít tiện dụng, ít công nghiệp, nhiều chi tiết và phức tạp trong thiết kế và trang trí. Trong khi đó, Art Deco đặt nặng về hình thức và chức năng. Đây cũng là một biểu hiện sớm nhất để phát triển thành Chủ nghĩa Hình thức, Chủ nghĩa Công năng về sau. Art Deco đưa thép không gỉ, thủy tinh, kim loại, gỗ khảm và nhựa vào thiết kế, đặc biệt bởi vẻ đẹp bóng loáng, bề mặt phẳng, thiết kế liền mạch và sắc nét.

Về bản chất, trong những năm 1920 và 1930, vật liệu có ý nghĩa biểu thị cho phong cách thiết kế "thời đại"; nơi mà Art Nouveau mới là sự khởi đầu, còn Art Deco đã dần bước gần đến đỉnh cao.

Nội thất theo phong cách Art Deco 

Điều thú vị nhất là cả hai trường phái này đều mang lại cảm giác hoàn toàn tươi mới và độc đáo. Chúng tạo thành chiếc cầu nối giữa những trường phái thiết kế của thế kỷ 19 như “chủ nghĩa lãng mạn và tân cổ điển”  – những gì mang lại cảm giác lỗi thời, với “chủ nghĩa hiện đại”.

II. Art Nouveau trong thiết kế đồ họa

Dù trào lưu này đã kết thúc vào đầu thế kỉ 20 nhưng dư âm của nó cho đến cuối thế kỉ này vẫn được các nhà thiết kế lấy cảm hứng và khai thác trong tranh ảnh, poster và hình minh họa. Ta vẫn có thể dễ dàng tìm thấy những tác phẩm trong thời kì này trên mạng. Chúng mang đậm màu sắc vintage vô cùng tự nhiên

Tranh "Zodiac" của Alphonse Mucha

Tới ngày nay thì sao, khi đã bước qua 2 thập kỉ đầu của thế kỷ 21, dường như xã hội càng phát triển thì con người càng có xu hướng tìm về quá khứ. Và thế là trào lưu sử dụng phong cách vintage, retro trong thiết kế đồ họa lại trỗi dậy, Art Nouveau lại có dịp xuất hiện trên những poster quảng cáo, minh họa nghệ thuật dưới bàn tay tài hoa và sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các designer

Fan Art "Game of Throne" phong cách Art Nouveau

Vẫn là những đường cong lượn sóng, bất đối xứng, những họa tiết quen thuộc trong quá khứ như hoa lá, tiên nữ, côn trùng,..nhưng khoác lên mình những gam màu linh hoạt, vẫn mang vẻ sắc trầm của quá khứ nhưng mang hơi thở hiện đại hơn. Lâu lâu lại được thấy những tác phẩm như vậy, người xem không khỏi cảm thấy thích thú và có những mường tượng mơ hồ về những ngày xa xôi đó. 

Bộ bài Tarot phong cách Art NouveauMột poster quảng cáo thuốc lá của Alphonse Mucha

Phim Ghibli Studio được làm theo phong cách Art Nouveau

Ngày nay thì những tác phẩm thiết kế này chỉ còn tồn tại trong các triển lãm, bảo tàng, quán cafe, artwork trong các "bộ bài" hoặc phục vụ cho phim ảnh nhưng chừng đó là đủ để phong cách này sống trong tiềm thức của nhân loại, khiến con người biết và nhớ về một thời vàng son của nó.

TẠM KẾT

Những tác phẩm với phong cách Art Nouveau trông thật ấn tượng phải không? Các phong cách nghệ thuật trong quá khứ sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế hiện đại. Nếu còn thiếu kỹ năng để trở thành một designer, tự hiện thực hóa các ý tưởng của mình thì hãy tham khảo khóa học Illustrator cơ bản của ColorME nhé. Chỉ với 8 buổi học nhưng bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều đó!

 

Mạnh Hùng · 2020-01-19 20:24:50 · 54736 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội