LƯU Ý CHỌN CHUỘT CHO DESIGNER

Việt Hùng · 2021-05-27 16:24:39 · 12261 lượt xem
image - LƯU Ý CHỌN CHUỘT CHO DESIGNER

Nhắc đến giáo viên, ta thường nói về những người cầm phấn. Nhắc đến trọng tài, ta thường nói về những người cầm còi. Nhắc đến kiến trúc sư, ta thường nói về những người cầm bản vẽ. Còn nhắc đến designer, ta thường nói về những người cầm… trịch cảm xúc trước hàng tá deadline và yêu cầu chỉnh sửa. Đùa thôi, với designer, có một thứ đã trở thành một vật bất ly thân mà ai cũng phải cầm, đó chính là con chuột. Vậy với những “tấm chiếu mới” đang từng bước vào nghề, bạn có biết những tiêu chí nào cần được xét đến khi nói về một con chuột tốt không? Không cần phải đợi lâu, colorME sẽ giải đáp cho bạn ngay trong bài viết này!

1. Thiết kế công thái học

Công thái học được định nghĩa là một ngành khoa học liên quan đến việc nghiên cứu sự tương thích giữa con người và các yếu tố khác của hệ thống và công việc bằng cách áp dụng lý thuyết, các nguyên tắc, các số liệu và các phương pháp để thiết kế nhằm đạt được tối ưu hoá lợi ích của con người và hiệu quả hoạt động chung của toàn hệ thống. (Theo International Ergonomics Association)

Nói đơn giản, đây là yếu tố tạo nên sự vừa vặn và thoải mái khi sử dụng sản phẩm. Và với chuột máy tính, thì những yếu tố như kích thước, hình dáng, màu sắc là những điều cần được nhắc đến đầu tiên.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu hết các dòng chuột đều được thiết kế nhỏ gọn để nằm vừa vặn trong lòng bàn tay. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đa số chuột có màu tối. Chẳng phải ngẫu nhiên mà một số dòng có thiết kế chứa rãnh sâu thậm chí là thiết kế… thẳng đứng. Hay những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ như tiếng “click click” khi nhấn chuột cũng được nhiều nhà thiết kế khắc phục một cách triệt để.

Tất cả những điều đó không những giúp người dùng có được sự thuận tiện khi sử dụng, mà còn giúp họ tránh được việc nhức mỏi khi phải làm việc thường xuyên trong thời gian dài. Nói cách khác, thiết kế công thái học giúp cho người dùng đạt hiệu suất làm việc cao nhất bằng những yếu tố khác nhau của sản phẩm.

Chuột Logitech Vertical MX với thiết kế dọc trông khá “dị”, nhưng lại là giải pháp cho những ai mắc “bệnh” đau cổ tay kinh niên

2. Độ nhạy chuột

Độ nhạy chuột - được tính bằng đơn vị dots per inch (DPI) - là một trong những thông số đầu tiên nên được đặt lên “bàn cân” tính toán. Nó cho người dùng biết được con trỏ chuột sẽ di chuyển bao xa trong mỗi inch mà chuột vật lý di chuyển.

Đối với những công việc yêu cầu tính tỉ mỉ, chi tiết của designer, chỉ cần “sai một ly” thôi thì cũng có thể “đi vạn dặm” rồi. Chính vì thế, độ nhạy của chuột là yếu tố vô cùng quan trọng. Con số DPI thông thường sẽ nằm ở mức 1200 hoặc cao hơn. Và mặc dù quy tắc chung là con số cao luôn tốt hơn, nhưng tốc độ di chuyển của con trỏ chuột nhanh hơn không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ví dụ như những lúc thao tác với những chi tiết siêu siêu nhỏ, bạn cũng khó có thể làm chủ con chuột của mình nếu chỉ số DPI quá cao.

Bên cạnh đó, cũng có một số loại chuột mà designer có thể điều chỉnh độ nhạy chuột ngay trên con chuột của mình mà không cần mở control panel. Đó chắc hẳn là một phát minh giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian phải không nào!

Logitech MX Master 2S - sự nâng cấp đáng giá với chỉ số DPI lên tới 4000

3. “Có dây hay không?”

Có thể nói, chuột không dây đang trở nên ngày một phổ biến với người dùng hiện nay với hai hình thức kết nối chính là Bluetooth hoặc cổng USB. Khỏi phải bàn về độ thuận tiện khi dùng dòng chuột này vì bạn có thể thoải mái di chuyển (tất nhiên là trong vùng tín hiệu cho phép nhé). Tiện lợi hơn là designer có thể “say bye bye” với tình cảnh gỡ mãi không xong đống dây dợ lằng nhằng - điều có thể gây ức chế trước khi những ý tưởng, cảm hứng được khơi nguồn

Ngược lại, việc sử dụng chuột có dây sẽ giúp ví bạn phần nào tránh được “bệnh viêm màng ví” nhờ tiết kiệm được khoản tiền mua pin. Cùng với đó, chuột có dây còn hoàn toàn tránh được tình trạng xung đột với tín hiệu với những thiết bị cùng tần số vô tuyến như điện thoại di động, bộ phát wifi - điều mà đôi khi sẽ gặp phải ở các dòng chuột không dây. Và như cảm nhận của nhiều người dùng thì chuột có dây được đánh giá có độ bền hơn đôi chút so với “người anh em” không dây của mình.

Bạn theo team không “đuôi” hay có “đuôi”?

4. Các nút hỗ trợ

Một yếu tố nữa cũng nên được cân nhắc bởi tính tiết kiệm thời gian mà nó mang lại, đó chính là những nút hỗ trợ các tính năng.

Trong đó, nút lăn chuột có lẽ nút hỗ trợ phổ biến nhất khi nó giúp bạn kéo trang lên/xuống thuận tiện hơn khi làm việc. Bên cạnh đó, với những dòng chuột cao cấp hơn, bạn có thể thấy chúng được trang bị thêm các nút phụ dùng để lùi/tiến về các trang khác nhau, sao chép/dán nội dung,...

Tất cả những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ đó cũng sẽ tiết kiệm cho bạn được khối thời gian đấy!

TÚM LẠI...

Trước khi “xuống tiền” để rước một em chuột về nhà, các bạn hay note ngay những điều trên để tránh tình cảnh “Biết thế không mua con này” nhé. Và khi đã sắm được cho mình một con chuột ưng ý rồi, thì khâu bảo quản cũng vô cùng quan trọng đó. Của bền tại người mà.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng, chuột chỉ là một thứ “vũ khí” để bạn chinh chiến trên đấu trường thiết kế thôi. Còn để có được “sức mạnh” nhằm tối ưu hóa được thứ “vũ khí” đó, bạn cần phải có một tư duy thiết kế hoàn chỉnh. Đừng quên, colorME có thể giúp bạn có được điều đó NGAY HÔM NAY:

https://colorme.vn/courses/44272/83

Việt Hùng · 2021-05-27 16:24:39 · 12261 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội