[nguyên tắc cơ bản trong thiết kế] Phần 1 sự cân bằng

Hiền Linh · 2017-05-06 16:11:23 · 20007 lượt xem
image - [nguyên tắc cơ bản trong thiết kế] Phần 1  sự cân bằng

[nguyên tắc cơ bản trong thiết kế] phần 1 sự cân bằng

Cân bằng


Sự cân bằng (balance) trong một bản thiết kế thể hiện ở việc sắp xếp, phân bố các yếu tố tạo nên một bản thiết kế hài hòa, có tình thẩm mỹ. Trong vài trường hợp, một yếu tố có thể được nhấn mạnh, trở nên nổi bật hơn những yếu tố khác. Tuy nhiên quy luật cân bằng khiến không một yếu tố nào có thể chiếm được chú ý đến mức ta không nhìn thấy các yếu tố xung quanh. 

Một bản thiết kế thiếu cân bằng sẽ gây ra cảm giác ức chế, khó chịu với người xem. Trừ phi chủ ý của bạn là vậy, thì hầu hết tất cả các thiết kế đều hướng đến cảm giác cân bằng thị giác cho người xem.


Cân bằng thị giác – Visual Balance


Sự cân bằng về mặt thị giác có liên hệ mật thiết với cân bằng về mặt vật lý. Ta có thể cảm giác rõ ràng sự cân bằng về mặt vật lý trong đời sống hàng ngày. Khi một vật ở trong trạng thái không cân bằng, nó có xu hướng rơi xuống.



Để đơn giản hóa mọi chuyện, hãy liên tưởng đến trò chơi bập bênh mà bạn và cậu bạn cùng xóm chơi hồi nhỏ. Cả hai đều có tạng người giống nhau, cân nặng ngang nhau, ngồi ở hai vị trí đối diện khiến cho chiếc bập bênh luôn ở trạng thái cân bằng.


Thế nhưng nếu đổi lại, đến một ngày đẹp trời, người ngồi đối diện bạn không còn là cậu trai mảnh khảnh lịch sự, mà lại là quý tử của cô bán thịt lợn đầu ngõ, từ nhỏ đã được ăn theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Đoán xem, chuyện gì sẽ xảy ra?



Ồ, chiếc bập bênh vẫn nằm ở vị trí cân bằng!



Đợi đã, có điều gì đó sai sai ở đây??


Hãy quan sát kỹ bức tranh vừa rồi, mặc dù chiếc bập bênh vẫn nằm ở vị trí cân bằng, tuy nhiên ta vẫn có cảm giác gì đó không cân xứng ở đây? Chúng ta đều biết chắc chắn rằng khi cậu bé thịt lợn ngồi lên chiếc bập bênh, ngay lập tức nó sẽ nghiêng về phía cậu bé đó và ghế bên phải sẽ chạm xuống mặt đất.


Vậy vì sao ta lại có cảm giác đó?


Câu trả lời chính là do yếu tố “Cân bằng thị giác”. Những vật càng to, càng đặc đem lại cảm giác nặng trong khi những vật nhỏ hơn, mỏng hơn đem tới cảm giác nhẹ hơn trong thiết kế. Điều này cũng đúng trong màu sắc, những màu tối luôn làm người xem có cảm giác nặng hơn về trọng lượng và ngược lại màu sáng luôn đem lại cảm giác nhẹ nhàng. 



Ngoài ra, việc sắp xếp các khoảng trống cũng đóng vai trò quyết định đem lại cảm giác cân bằng về thị giác: vẫn với ví dụ vừa rồi, nếu ta thay đổi vị trí của cậu bé Thịt Lợn dịch gần về phía tâm của chiếc bập bênh hơn thì ngay lập tức chiếc bập bênh sẽ trở về vị trí cân bằng.


Bạn có thể kiểm soát sự cân bằng về mặt thị giác qua 2 cách chính: cân bằng đối xứng hoặc cân bằng bất đối xứng.


1. Cân bằng đối xứng


Đây được coi là Cân bằng đối xứng. 

Cân bằng đối xứng xảy ra khi có hai yếu tố ảnh cùng trọng lượng (visual weight) được đặt ở 2 vị trí đối xứng nhau qua tâm (hoặc trục) của ảnh. Đối xứng tạo ra sự cân bằng, và sự cân bằng trong thiết kế tạo ra sự hài hòa, trật tự, và kết quả thẩm mỹ. Nó được tìm thấy ở khắp mọi nơi trong tự nhiên. Trục đối xứng của nó có thể là trục ngang hoặc dọc, thậm chí việc sắp xếp những yếu tố có cùng trọng lượng xung quanh tâm của bản thiết kế cũng được coi là một cách để tạo cân bằng đối xứng. Trong trường hợp này, ta gọi đó là đối xứng tỏa tròn.



Điểm mạnh của Cân bằng đối xứng là làm bản thiết kế trở nên gọn gàng, lịch sự. Tuy nhiên cách sử dụng cân bằng đối xứng khá an toàn, nên dễ trở nên cứng nhắc, nhàm chán, vì vậy thay vì việc sử dụng hai yếu tố đồ họa giống nhau, hãy thử tạo ra một chút khác biệt: xếp một chiếc ảnh lớn ở phía bên trái và đoạn text lớn ở phía bên phải nó.


2. Cân bằng bất đối xứng


Ở trường hợp này, ta gọi đây là Cân bằng bất đối xứng. 

Khác với Cân bằng đối xứng, việc nhận diện cũng như kiểm soát Cân bằng bất đối xứng khó hơn rất nhiều. Ví dụ như khi ta xếp một yếu tố có trọng lượng ảnh (visual weight) lớn ở phía bên này bản thiết kế, thì phía ta phải cân bằng phía còn lại bản thiết kế bằng nhiều yếu tổ khác có trọng lượng ảnh nhỏ hơn. Hoặc bạn cũng có thể coi bản thiết kế như chiếc bập bênh trong câu chuyện bên trên, hai cán cân của nó sẽ cân bằng nếu khoảng cách của vật có trọng lượng nhỏ lớn hơn vật có trọng lượng to.



Quy tắt Cân bằng bất đối xứng thường hay được sử dụng hơn vì nó tạo ra dòng chảy thị giác cho người xem. Từ đó tạo cho bản thiết kế một cảm giác sống động, hiện đại. Tuy vậy việc kiểm soát quy luật này khá khó, đòi hỏi nhà thiết kế phải có bề dày kinh nghiệm bởi các mối quan hệ giữa các yếu tố trong một bản thiết tế rất phức tạp.


Tham khảo: Học thiết kế đồ họa Online.

Hiền Linh · 2017-05-06 16:11:23 · 20007 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội