Các yếu tố cơ bản trong thiết kế Phần 1
Nếu bạn đang “nhăm nhe” học thiết kế, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, thì bài viết này chính dành cho bạn đấy.
Dưới đây là tất cả các yếu tố bắt-buộc-phải-biết trong giới design, hy vọng mang đến cho bạn một cái nhìn tổng thể và hệ thống trước khi bước vào thế giới đầy sáng tạo này. Cùng bắt đầu thôi nào!
1. Đường (Line):
Line được coi là “kẻ cầm đầu” trong thế giới design, vì chúng là nguồn gốc của tất cả đường nét và hình dạng. Chúng thường được sử dụng để tạo ra 1 hiệu ứng thị giác hoặc 1 ý tưởng nhất định. Ví dụ, những đường thẳng (straight line) gợi lên sự gọn gàng, đường lượn sóng (curved line) tạo ra chuyển động và các đường ngoằn ngoèo (zigzag line) thường khơi gợi sự căng thẳng hoặc hứng thú.
Ngoài ra, các dòng khi được nhóm lại thường mang tới một sự kết nối, trật tự cho tổng thể. Vì vậy, chúng thường được sử dụng để làm phối cảnh, tạo khung cho bố cục và các đường nét, góc cạnh, chi tiết trong thiết kế.
2. Kích cỡ
Hiểu đơn giản, Scale là kích cỡ, tỷ lệ của mọi yếu tố trong 1 bản thiết kế. Chúng giúp các yếu tố có sự tương phản về kích thước, tạo ra “sự phân cấp thị giác”, phân chia tỷ lệ, giúp người xem tập trung hơn vào một vài chi tiết cụ thể nào đó.
Scale còn có tác dụng tạo sự thống nhất, logic cho bố cục. Bởi thế, nó chính là nguồn gốc cho nhiều tỉ lệ quan trọng sau này (như tỉ lệ vàng) đấy!
3. Màu sắc:
Màu sắc là một yếu tố không-thể-bỏ-qua trong thiết kế. Tại sao ư? Tất cả sự hài hòa hay tương phản, những trải nghiệm thị giác hay cảm xúc mang tới người nhìn,.... đều bắt nguồn từ việc lựa chọn màu sắc.
Màu sắc thường được phân loại thành Hue (tông màu), Saturation (độ bão hòa của màu) hoặc Value (giá trị của màu)
Bạn có thể tìm hiểu thêm về vòng tròn màu sắc, các nguyên tắc phối màu cơ bản và các style phối màu đang hot tại đây.
4. Khoảng trắng
Khoảng trắng là phần diện tích trống, bao xung quanh đối tượng trong một bản thiết kế. Tên gọi khác của nó là Negative space (không gian âm).
Khoảng trắng giúp thiết kế không bị dày đặc thông tin, trái lại, nó tạo ra sự phân cấp thông tin, giúp người đọc dễ nhìn và tiếp nhận nội dung hơn. Bên cạnh đó, khoảng trắng cũng tạo nên sự cân bằng và tối giản cho thiết kế, rất phù hợp với những designer ưa thích style minimal đó.
5. Phông chữ
Typography là một trong các “anh cả” của cả bản thiết kế. Riêng việc chọn kiểu chữ nào, cỡ chữ to nhỏ ra sao đã khiến thiết kế thay đổi 180 độ rồi, chưa kể tới việc sắp xếp vị trí, màu sắc, độ tương phản của các chữ cái hoặc kết hợp với những hình ảnh, hình học,... đều mang lại những trải nghiệm thị giác khác nhau đối với người nhìn.
Các thành phần trong Typography chính là: Font và Typeface (Kiểu chữ), Size (kích thước), Kerning (khoảng cách giữa 2 chữ cái), Leading (khoảng cách giữa các dòng - theo chiều dọc), Tracking ( khoảng cách của các chữ cái - theo chiều ngang )
Đối với newbie, bạn chỉ cần nằm lòng các quy tắc về typography như sau:
- Tránh sử dụng quá nhiều chữ cùng 1 lúc
- Căn lề trái luôn dễ đọc nhất
- Lựa chọn size chữ phù hợp (Nếu không chắc chắn, cách tốt nhất là in ra đọc thử nhé)
6. Họa tiết
Pattern là sự lặp lại của các yếu tố hình học, biểu tượng, hình vẽ.
Bằng việc tuân theo một quy luật nhất định, Pattern giúp thiết kế trở nên thú vị, nhiều chi tiết và có điểm nhấn hơn, đồng thời tạo những hiệu ứng thị giác khác nhau cho người nhìn. Pattern rất được giới designer ưa chuộng, đặc biệt trong thiết kế bao bì sản phẩm, logo hoặc trang web.
7. Chất liệu
Khi bề mặt thiết kế phẳng thật đơn điệu và nhàm chán, bạn có thể cho chúng một chút điểm nhấn với Texture.
Texture là việc sử dụng chất liệu, giúp thiết kế có cảm giác “thô”, sống động và có chiều sâu hơn, rất phù hợp với những mẫu typography theo phong cách vintage, bề mặt trên tấm card hay brochure quảng cáo chẳng hạn.
8. Đối xứng
Symmetry rất được ưa chuộng trong thế giới design, bởi chúng khá hài hòa và hút mắt người nhìn. Nó có tác dụng tạo ra sự cân đối, gọn gàng cho thiết kế, và thực tế đã chứng minh, chúng thật sự dễ nhìn và dễ nhớ hơn hẳn các loại thiết kế khác.
Bạn có thể ứng dụng chúng trong thiết kế logo, thiệp mời, poster,... Và tin chứ, sự hài hòa của Symmetry sẽ thu hút người nhìn chỉ trong vòng.. một nốt nhạc cho mà xem!
Nhưng lưu ý, Symmetry chỉ nên sử dụng một cách khiêm tốn và hợp lý thôi nhé, nếu không thiết kế của bạn dễ mắc phải sự rập khuôn và nhàm chán đấy.
9. Bố cục
Bố cục là sự sắp xếp các yếu tố xuất hiện trong 1 thiết kế.
Đối với designer, bố cục được coi là “trùm cuối”, bởi tất cả các yếu tố nhắc tới bên trên (typo, white space, randomness,..) đều “gói gọn” trong bố cục. Nó quyết định việc thiết kế có cân bằng, phân cấp thông tin hợp lý không; đã phù hợp với concept hay chưa, hoặc tính thẩm mỹ, bắt mắt của tổng thể như thế nào..
Các bố cục phổ biến là bố cục ⅓, bố cục tròn,..
Túm gọn lại, một ngôi nhà chỉ chắc khi nền móng vững, bởi vậy hãy đầu tư cho bố cục thật kỹ lưỡng trước khi “đắp sơn” trang trí cho thiết kế của bạn nhé.
Các bạn xem phần 2 tại đây
Nguồn : Canva