Những lưu ý khi làm việc với Designer
Hay những điều khiến designer vui
Trần đời, mối quan hệ giữa Khách hàng - cilent và Designer luôn được ví như cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Dù luôn phải song hành với nhau, ăn nằm với nhau nhưng hai kẻ này luôn cọ kẹ đến từng phút. Nếu Designer luôn là người vợ yêu chồng, luôn trằn trọc vì sao Cilent không hiểu mình, thì Cilent có vẻ là người chồng vô tâm trong cuộc hôn nhân này. Vậy phải làm sao để Cilent hiểu và khiến Designer vui?
Trước khi đưa một bản mô tả thiết kế cho Designer, Cilent hãy nhớ lúc này, bản mô tả phải là bản chốt, rõ ràng và dễ hiểu nhất có thể. Cilent có thể dễ dàng đưa Designer vào địa ngục nếu có những yêu cầu mơ hồ như là "mang tính truyền thống nhưng vẫn giữ vẻ hiện đại" hay một sản phẩm "nồng nàn lòng yêu nước". Hãy nhớ đưa ra yêu cầu với những tính chất, đặc điểm cụ thể. Và điều tối kị trong khi giao yêu cầu cho designer chính là, khi designer đang bắt tay vào thực hiện, chớ có thay đổi quá nhiều!
Khác với những ngành nghề khác, designer mang tính cá nhân hơn. Những việc như teamwork hay thảo luận liên tục hàng ngàn giờ đồng hồ không khiến designer thiết kế đẹp hơn mà còn khiến chú hổ ngọ nguậy khi không được thả bay trí tưởng tượng. Tốt nhất hãy để con hổ designer có thời gian được thỏa sức khám phá thế giới, việc của cilent là ngồi đợi đến deadline thôi.
Trong thiết kế thì không có con nhà người ta, nhưng designer thì rất ghét bị so sánh. Đừng bao giờ nhận một sản phẩm từ con hổ này mà bảo là "Sao anh thấy bên kia làm đẹp hơn?", "Làm cái này bằng word nhanh hơn đấy", "Sao em báo giá đắt thế, bên kia có một nửa thôi"... Khoan đề cập về độ xấu đẹp, ít nhất hãy tôn trọng designer của bạn. Nếu bạn không vừa lòng với thiết kế, góp ý một cách dễ hiểu và hợp lý. Còn nếu bạn làm được bằng word, thì xin cứ tự nhiên!
Tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm. Vì là vấn đề nhạy cảm, nên nói ít cho đỡ động chạm: trả lương đúng hạn khi đã thỏa thuận báo giá, vì designer cũng là con người. Xin cảm ơn!