Nielsen Design award · màn lột xác của bao bì

Quỳnh Anh · 2018-12-11 16:21:28 · 6631 lượt xem
image - Nielsen Design award  ·  màn   lột xác   của bao bì

Nielsen Design Award là cuộc thi dành cho các nhãn hàng, nhằm tìm ra các mẫu thiết kế bao bì hấp dẫn và sáng tạo nhất.

Trong bài viết này, ColorME sẽ điểm lại những quán quân trong 2 mùa 2017 và 2018 vừa qua. Cùng xem, một diện mạo mới sẽ tạo ra bước ngoặt gì cho doanh thu cũng như sự đón nhận của khách hàng như nào nhé. Qua đó, chúng mình cũng rút ra được những bài học hữu ích cho bản thân trong quá trình thiết kế đấy. 

1. Nielsen Design Award 2017

Lean Cuisine MarketPlace

Thành công trong packaging mới của Lean bắt nguồn từ việc lựa chọn hình ảnh ngon mắt và hấp dẫn hơn, kích thích vị giác người tiêu dùng. Nhãn hàng còn thay đổi màu sắc, sử dụng tông nền đen chủ đạo sang trọng, thay vì tông màu trắng nhạt nhòa, thiếu cảm hứng như trước.

Việc phân cấp thông tin rõ ràng, hiệu quả cũng giúp nhấn mạnh vào ưu điểm của mặt hàng: đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Điểm cải tiến lớn nhất, đó là việc sử dụng hiệu quả các khoảng trắng; kết hợp cùng font chữ, giãn cách chữ phù hợp, giúp người xem nắm bắt thông tin hiệu quả hơn, dễ nhìn hơn và không bị rối mắt.

Kết quả: Doanh thu tăng đột biến 58 triệu đô chỉ trong vòng 1 năm. Như vậy, việc điều chỉnh các yếu tố thiết kế (như typo, khoảng trắng,..) sẽ giúp bao bì tối ưu và cung cấp thông tin hiệu quả hơn.


Cheez-It - Bắt kịp xu hướng hiện đại

Design cũ với hình ảnh một số lượng lớn bánh cracker đã dần trở nên lỗi thời khiến nhãn hàng quyết định phải thay đổi. Đi theo xu hướng bao bì thực phẩm hiện đại (thường ưa chuộng sự tối giản), packaging mới ra đời với hình ảnh minh họa là một chiếc bánh đứng độc lập, nhằm zoom cận cảnh vào chi tiết của sản phẩm và cho thấy sự ngon miệng, hấp dẫn của chiếc bánh cracker.

 Màu sắc của Cheez-it cũng được thay đổi, vẫn là nền đỏ nhưng tông màu trầm hơn, mang lại vẻ hiện đại và sang trọng hơn. Kết quả là doanh thu tăng 50 triệu đô, một điều đột biến đối với nhãn hàng này.

 Bài học: Một bao bì đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ thôi là chưa đủ, nó còn đòi hỏi thể hiện được đặc trưng của mặt hàng, cũng như kích thích khách hàng mua sản phẩm. 


2. Nielsen Design Award 2018

Fairlife – Hiện đại và tối giản

Biểu tượng: Hình ảnh con bò được thể hiện rõ ràng và chân thực để nhấn mạnh về đặc điểm thương hiệu chuyên về sữa bò. Đồng thời, chúng cũng cần đáp ứng yêu cầu về hình ảnh phải gần gũi, dễ tiếp cận và hấp dẫn người nhìn. 

Phông chữ: Phông chữ trong bao bì mới được thay đổi một cách hài hòa và mềm mại hơn. Ngoài ra, việc sử dụng màu sắc ấn tượng và hài hòa làm tăng rõ rệt sự hấp dẫn và nổi bật của hương vị sản phẩm.

Phân cấp thông tin: Thông tin được phân cấp thị giác hiệu quả qua việc bổ sung các chỉ số về hàm lượng dinh dưỡng, giúp tối đa hóa việc theo dõi của mắt hơn. Người mua hàng ngay lập tức quan sát và nắm bắt được các thông tin chính yếu về chất lượng của sản phẩm.

Ngay trong năm đầu tiên, doanh số tại kệ hàng tăng 55%. Đáng chú ý là, thiết kế mới của Fairlife được xem là tốt hơn 2,5 lần trong việc truyền đạt thông điệp (theo Nielsen)

Bài học: Sự tối giản luôn được ưu tiên hàng đầu trong xu hướng thiết kế hiện đại, và nó thật sự hữu ích trong việc tối ưu hóa, phân cấp thông tin và minh họa hình ảnh.


Ice Breakers Ice Cube - Tạo hiệu ứng thị giác thành công

Sai lầm trong thiết kế cũ của Ice Breakers đó là sự thiếu tính biểu tượng, do package khá nhạt nhòa và không có điểm nhấn. Trong design mới, nhãn hàng đã thể hiện hình ảnh các khối đá với hình khối, góc cạnh mang dáng dấp thiết kế 3D, tạo cho người nhìn cảm giác các viên đá đang nổi hẳn lên trên bề mặt. Sự cải tiến này thật sự hiệu quả, giúp hình ảnh minh họa của mặt hàng trở nên chân thực, sống động và có chiều sâu hơn.

Tương tự, thông tin phân cấp rõ ràng cũng là yếu tố quan trọng. Việc nhấn mạnh vào tên thương hiệu và tên các vị kem bằng size chữ lớn hơn, đậm và đổ bóng giúp nội dung dễ dàng chạm vào mắt người đọc hơn. Từ đó, người tiêu dùng có thể nắm bắt thông tin quan trọng về sản phẩm. Kết quả là doanh thu tặng trưởng bất ngờ 18% cho thấy sự đột phá của thiết kế mới

 Bài học: Hình ảnh minh họa là một bài toán cần đầu tư nhiều công sức, vì chúng luôn là ấn tượng đầu tiên, quyết định khách hàng có để mắt tới sản phẩm hay không. Thiết kế không chỉ đẹp, mà nó còn phải “thật”, thực tế, giúp sản phẩm trở nên sống động và gần gũi với người tiêu dùng.


Robert Mandavi - Sự sang trọng của dòng hàng cao cấp

Nhãn hàng Robert Mandavi từng có bao bì màu trắng kem chủ đạo, kết hợp cùng khá nhiều loại màu sắc. Tuy nhiên, thiết kế không được khách hàng đón nhận bởi họ cho rằng, màu kem chỉ sử dụng trong phân khúc rượu bình dân. Hãng đã quyết định tạo ra một package tương phản hoàn toàn, với màu đen đầy sang trọng, kết hợp với nút tháp bạc và vàng thực sự tinh tế.

Màn “lột xác” đã tạo ấn tượng mạnh về một sản phẩm cổ điển cùng chất lượng truyền thống, giúp nhãn hàng khẳng định được vị trí trong phân khúc cao cấp của mình. Khảo sát cho thấy 61% người tiêu dùng đồng ý mua thiết kế mới này. Doanh số của RMPS cũng tăng 14% ngay trong vòng 1 năm.
Bài học: Việc lựa chọn màu sắc không chỉ đáp ứng tính thẩm mỹ, mà nó còn cần phù hợp với đặc điểm sản phẩm và thể hiện cái “riêng”, cái nổi bật của nhãn hàng.


Lời kết

Để tạo ra một bao bì xuất sắc và phải tạo được dấu ấn thương hiệu riêng trong lòng người tiêu dùng là bài toán cực “khó nhằn” đối với mỗi nhãn hàng. Mùa Nielsen mới sắp tới rồi, chúng mình cùng đón chờ những bài toán của năm nay, cũng như những màn “lột xác” đầy ấn tượng của các nhãn hàng trong Nielsen Design Award 2019 nhé.

Quỳnh Anh · 2018-12-11 16:21:28 · 6631 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội