Street Photography 101 p Art 1

Son Pham · 2017-04-30 19:22:31 · 17366 lượt xem
image - Street Photography 101   p Art 1

Giới thiệu và định nghĩa

Phổ biến trong khoảng từ 3-4 năm trở lại đây, nhiếp ảnh đường phố đã dần trở nên được nhiều người biết đến. Khi được hỏi một vài bạn yêu thích nhiếp ảnh rằng các bạn làm gì vào lúc rảnh rỗi, phần lớn nhiều bạn sẽ trả lời “uhm, mình thích lang thang trên phố và chụp choẹt”. Vậy, ảnh đường phố là gì?

Thực tế mà nói thì cũng chưa có một tài liệu nào định nghĩa một cách toàn vẹn nhất về nhiếp ảnh đường phố. Tựu chung lại thì đây là một hình thức ghi lại thông tin bằng hình ảnh không những trên đường phố mà có thể diễn ra trên bãi biển, siêu thị, nơi công cộng tập trung nhiều hoạt động sinh hoạt của con người,... nên cũng có thể nói ảnh đường phố cũng là ảnh tư liệu (documentary photography).

Bất kể một bộ môn nào khi đưa ra đường phố, nó cũng đều trở nên phóng khoáng và tự do hơn nhiều. Bóng đá đường phố, ảo thuật đường phố,v.v... nó đều cuốn hút người xem vì sự sáng tạo đến vô hạn và quan trọng hơn hết nó thể hiện cái tôi của người “chơi”. Nhiếp ảnh đường phố cũng vậy, luật lệ của nó là không có luật lệ và dĩ nhiên nếu chúng ta suy nghĩ được như vậy thì cuộc chơi sẽ vui hơn rất nhiều.

(By Son Pham)


Lịch sử hình thành

Nhắc đến ảnh đường phố chúng ta không thể không nhắc đến Henri Cartier-Bresson (HCB) ,được coi là là cha đẻ của thể loại này khi ông đưa ra định nghĩa về “ Decisive moment” hay “Khoảnh khắc quyết định”. Chính vì vậy ông săn tìm những khoảnh khắc ngẫu nhiên, không dàn dựng nhưng truyền tải đầy đủ nội dung cần thiết qua một cú bấm máy. Đối với ông, nhiếp ảnh nghĩa là hình dung ra được khoảnh khắc trước khi nó xảy ra để rồi chờ đợi thời điểm bấm máy và khi đó góc nhìn-tâm trí-trái tim ông hoà cùng một nhịp đập. Với ông, chỉ có 1 khoảnh khắc quyết định sẽ mang đến nội dung toàn vẹn cho bức ảnh, còn một vài tích tắc trước và sau khi diễn ra khoảnh khắc đó không có ý nghĩa gì cả. Mặc dù vậy ông phủ nhận mình là nhiếp ảnh gia đường phố hay như NAG Garry Winogrand rất ghét bị gọi là “Nhiếp ảnh gia đường phố” bởi với ông danh xưng này không nói lên điều gì, ông chụp rất nhiều tại sở thú “ vì lẽ đó chả lẽ gọi tôi là “Nhiếp ảnh gia sở thú” ? Nhưng với HCB, những bức ảnh như một cách thể hiện cái tôi, cá nhân của ông và theo thời gian, nó đã trở thành kinh điển và kim chỉ nam cho biết bao thế hệ NAG đường phố trong suốt nửa thể kỷ qua.


Định nghĩa về một bức ảnh đường phố hay

Mặc dù ảnh đường phố phóng khoáng và không luật lệ, nhưng đã “chơi” thì nó cũng có những chuẩn mực, đỉnh cao để chúng ta rèn luyện và nỗ lực hàng ngày. Cái hay của nhiếp ảnh đường phố đó chính là tạo nên những hình ảnh mang nhiều tính ẩn dụ, đôi khi là cách cắt cúp (crop) bức hình khiến người xem sẽ phải liên tưởng ra câu chuyện của riêng mình và dĩ nhiên khác xa so với bản chất của sự việc. Nói một cách dễ hiểu hơn thì với ảnh tư liệu (documentary photography), một bức ảnh là một câu chuyện chân thật mà NAG muốn truyền tải, còn với nhiếp ảnh đường phố thì một bức ảnh có thể là hàng chục câu chuyện khác nhau nhờ sự liên tưởng và tưởng tượng của người xem tạo ra. Vì vậy, một bức ảnh đường phố hay là một bức ảnh gây được sự tò mò, đa dạng về cảm xúc và “gợi” cho người xem hơn là miêu tả sự việc một cách chân thực.

(By Chu Việt Hà)


Vậy thì tư duy tiếp cận với Street Photography sẽ ra sao ?

Đọc đến đây nếu như bạn cảm thấy yêu thích việc đi tìm những “khoảnh khắc quyết định” thì có lẽ một vài lời khuyên dưới đây có lẽ sẽ rất hữu ích ?

+ Về mặt thiết bị mà nói, dĩ nhiên là chúng ta sẽ cần một vật có thể giúp chúng ta ghi lại khoảnh khắc nhưng sẽ nên là DSLR, PnS hay điện thoại di động? Nếu như bạn đã từng lang thang trên phố để chụp ảnh thì sẽ không tránh khỏi việc nhiều người xua tay, ngại ngùng khi bạn tiến lại gần họ với một chiếc DSLR to đùng. Robert Capa đã từng có một câu nói:”Nếu bức ảnh của bạn chưa đủ tốt, chứng tỏ bạn đứng chưa đủ gần”. Vì vậy sẽ dễ dàng hơn cả khi bạn tiếp cận chủ thể, background với thiết bị nhỏ gọn, điều đó khiến cho chủ thể không nghĩ rằng bạn là một nhà báo mà đôi khi chỉ là khách du lịch chẳng hạn? Khi nhắc về thiết bị thì có thể kể tên tới Ricoh Gr, dòng máy ảnh dành riêng cho các tay máy chụp đường phố. Xa xỉ hơn nhưng vô cùng lợi hại thì đó là Leica, rất nhiều nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng sửa Leica như Erickim, Vineeth Vhora,... bởi chất lượng hình ảnh và việc lấy nét MF dựa theo khoảng cách trên lens. Ngoài ra là dòng máy ảnh mirrorless nhỏ gọn của Fujifilm,...


+Về mặt yêu cầu thông số thì có 2 thứ mà chúng ta cần phải quan tâm:

  • Tốc độ màn chập luôn luôn nhanh hơn 1/250s. Đây là tốc độ màn chập an toàn để bạn có thể bắt được khoảnh khắc, các hoạt động cơ bản của con người. Nhiều bức ảnh có được khoảnh khắc tốt nhưng do tốc độ màn chập không đủ nhanh nên khiến chất lượng bức ảnh giảm như nhoè, mờ, hành động chủ thể không rõ ràng thì bức ảnh đó vẫn chưa gọi là bức ảnh đường phố tốt!

  • Khẩu độ, nó liên quan trực tiếp đến DOF (depth of field) hay còn gọi là vùng ảnh nét. Trong chụp ảnh đường phố chúng ta sẽ nỗ lực tạo ra bức ảnh có nhiều câu chuyện và gợi tính tưởng tượng nên sẽ tốt hơn cả là một bức ảnh phải có vùng ảnh nét sâu. Khi đó thì khẩu thường khép từ f/8.0 đến f/11 để có thể khiến một bức ảnh nét toàn khung hình. Theo quan điểm của một số NAG chuyên đường phố , họ rất kị việc mở khẩu lớn vì như vậy câu chuyện trong bức ảnh sẽ bị giới hạn đi rất nhiều.

  • Trừ phi bạn là một người thích in ấn phóng ảnh mình lên kích thước lớn để treo thì sẽ cần một thiết bị tốt ngay cả trong điều kiện thiếu sáng. Còn không, một bức ảnh đường phố sẽ chỉ cần nội dung, tính khoảnh khắc. Nó có thể nhiễu một chút nhưng không sao, trên hết nó đã ghi lại được “khoảnh khắc quyết định”.

+Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với nhiếp ảnh đường phố bằng một chiếc máy ảnh du lịch (Poit and shoot). Góc ảnh rộng, auto 100% về mặt ánh sáng cũng như màu sắc và lấy nét. Có khả năng nhận diện được khuôn mặt, một số thiết bị có thêm chế độ chụp thể thao để giúp các bạn bắt được khoảnh khắc tốt hơn, quan trọng nhất là nhỏ gọn vừa tay.

(EricKim cùng với chiếc Ricoh Gr)


Lời kết                                                                                                  

Hi vọng các bạn đã phần nào có cái nhìn tổng quan về nhiếp ảnh đường phố. NAG Chu Việt Hà có nói:” Ảnh đường phố chỉ để phục vụ bản thân mình. Mình ra ngoài phố, đi dạo, đi chơi, không nghĩ điều gì khác ngoài thể hiện cái tôi của mình”. Cho dù ảnh đường phố với bạn là thú vui những lúc rảnh, bạn hoàn toàn có thể chụp không suy nghĩ, không cần rèn luyện cố gắng cũng được vì nếu chỉ cần làm điều đó mỗi ngày cũng khiến bạn cảm thấy vui thì hãy cứ tiếp tục. Còn nếu bạn là một người ham mê tìm tòi những khoảnh khắc quyết định-thứ sẽ cần phải rèn luyện nhiều và khám phá nhiều hơn thì cũng đừng vội bỏ cuộc nếu như bạn chưa bức ảnh nào ưng ý. “Khi coi nhiếp ảnh là cuộc chơi thì hãy chụp cho bản thân mình, đừng chụp phục vụ người khác. Nếu một tấm ảnh của bạn được 1000 người thích, được đà bạn sẽ tiếp tục chụp chỉ để phục vụ 1000 khán giả này và niềm vui sẽ xảy ra trong phút chốc hiện tại. Nhưng đã là xu hướng thì kiểu gì cũng cả thèm chóng chán, và khi bạn dựa vào khán giả để định hình phong cách của mình thì bạn sẽ chẳng còn biết bản thân mình là ai khi khán giả chạy theo một thần tượng khác.”- NAG Chu Việt Hà.

Khi xuống phố chụp ảnh, cho dù bạn có đi trên con phố này hàng nghìn lần đi nữa thì mỗi lần bắt đầu một cuộc dạo chơi như vậy, hãy cho phép mình như là người lần đầu tiên đến đây, bạn sẽ nhìn thấy được nhiều điều thú vị hơn. “Nếu được hỏi bức ảnh nào là bức ảnh tôi thích nhất, câu trả lời của tôi sẽ là bức tôi chụp vào ngày mai”. NAG Imogen Cunningham

(By Son Pham)

Bài viết được tổng hợp và tham khảo từ “Ảnh Đường Phố, Ảnh Tư Liệu: Tuy Gần Mà Xa” và bài phỏng vấn NAG Chu Việt Hà tại  www.matca.vn

Son Pham · 2017-04-30 19:22:31 · 17366 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội