Tổng hợp những lầm tưởng tai hại về nhiếp ảnh Film

Mạnh Hùng · 2020-12-20 16:29:27 · 29496 lượt xem
image - Tổng hợp những lầm tưởng tai hại về nhiếp ảnh Film

Nhiếp ảnh film giờ đây là một thú chơi được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Tuy nhiên với nhiều người, lĩnh vực này đem lại nhiều hiểu lầm, phần nào khiến cho môn nghệ thuật này trở nên xa lạ hơn. Cùng đồng hành với ColorME qua bài viết sau để xem bạn đã hiểu đúng được những điều gì, còn điều gì vẫn đang lầm tưởng nhé!

1. “Máy cơ” là máy gì?

Hiện nay vẫn có rất nhiều người hiểu “máy ảnh cơ” là chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiện đại (có thể xem được ảnh ngay, ảnh được lưu vào thẻ nhớ). Ảnh chụp bằng “máy cơ” được phân biệt với ảnh chụp bằng điện thoại.  

Gọi là “ảnh máy cơ” để phân biệt với “ảnh điện thoại”?

Tuy nhiên thực tế không phải như vậy! “Máy cơ” là tên gọi của những chiếc máy ảnh film cũ kĩ (hầu hết được sản xuất vào thế kỉ XX). Những chiếc máy này hoạt động hoàn toàn bằng hệ thống cơ học & quang học (bánh răng, khớp máy, lò xo, công tắc, v.v…) hoặc bán cơ (thêm hệ thống điện để đo sáng). Còn chiếc máy cơ mà mọi người lầm tưởng thực ra là máy ảnh kỹ thuật số (có thể gọi tắt là máy số). Và như đã đề cập, cách gọi sai này vốn là do để phân biệt máy ảnh với điện thoại mà thôi ^^

Máy ảnh cơ và máy ảnh kỹ thuật số

Bạn có thể đọc thêm bài viết Phân loại các dòng máy ảnh film thông dụng để hiểu rõ hơn và phân biệt cho những người xung quanh bạn nhé!

2. Chụp film không đăng lên mạng xã hội được?

Vào những năm đầu thập niên 2000s, mỗi gia đình thường có những tấm ảnh kèm theo tấm film âm bản. Điều này khiến nhiều người vẫn nghĩ rằng chụp film thì chỉ có thể in ra tấm ảnh vật lý chứ không có file để đăng lên các nền tảng mạng xã hội ngày nay.

Credit: vietnamnet.vn

Thực ra ngày nay khá nhiều địa chỉ giúp mọi người tráng filmscan để có file mềm đăng lên mạng xã hội, gọi là các Lab (Laboratory). Khi chụp xong 1 cuộn film, bạn chỉ cần thu film vào lõi và mang đến các Lab để đăng ký tráng + scan là chưa đầy 1 ngày sau sẽ nhận được ảnh gửi về Mail qua Google Drive hoặc Dropbox. 

(Credit: kenh14.vn, nguoiduatin.vn)

Vì vậy khỏi lo về việc không thể đăng ảnh lên “khoe” đâu đó được bạn nhé! Tuy nhiên các Lab hiện chỉ có mặt tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt,..nên cũng hơi bất tiện nếu bạn ở xa.

3. Chỉ người lớn tuổi mới chụp máy film?

Những năm trở lại đây, trào lưu chơi máy ảnh film trong giới trẻ trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ. Nhiều bạn trẻ yêu sự hoài cổ, yêu sự tỉ mỉ, yêu cảm giác lấy nét xoay vặn, yêu “sự phiền phức” để có một tấm ảnh,...mà dấn thân vào thú chơi này. Bù lại thì chi phí đầu tư ban đầu (mua máy) khá mềm, chỉ vào khoảng 2-3 triệu đồng

Credit: Group “Chúng mình chụp ảnh film”

Đi một buổi chụp kỷ yếu, chụp dã ngoại,... bạn sẽ không khó để bắt gặp 1 bạn trẻ mang theo 1 chiếc máy film với dáng vẻ cổ điển đặc trưng. Ngược lại thì các bác lớn tuổi dường như chuộng dòng máy kỹ thuật số hơn với nhiều thiết bị rất “xịn”, đắt tiền.

4. Chụp máy film thì không biết chụp máy kỹ thuật số?

Điều này là lầm tưởng tai hại nhất, thực ra phải là ngược lại: biết chụp máy kỹ thuật số thì chưa chắc chụp được máy film. Đó là bởi máy kỹ thuật số có nhiều chế độ tự động (auto) giúp người dùng không cần hiểu nhiều về làm chủ thông số/ ánh sáng, lấy nét, vẫn có thể ra những bức ảnh “chấp nhận được”.

Credit: Nguyễn Hùng

Người chụp film do đặc thù sử dụng thiết bị cổ điển, nhiều máy hoàn toàn cơ học không có auto thì đều phải học từ “tam giác phơi sáng” (ISO - khẩu - tốc) và cách lấy nét tay, đọc đo sáng,...Đây đều là những thứ cơ bản cốt lõi của nhiếp ảnh và nắm được rồi thì chuyển sang sử dụng máy kỹ thuật số không gặp khó khăn gì nhiều

5. Chụp máy film thì phải dùng thiết bị đo sáng ngoài?

Máy film là những thiết bị đến từ thế kỉ XX, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng kém “thiện chiến”. Đa số máy vẫn có chế độ đo sáng (cho biết đủ sáng, thừa hay thiếu sáng) để bạn dễ dàng tham khảo và setup thông số phù hợp cho tấm ảnh. 

Khung ngắm (viewfinder) máy film, nơi ta thấy hệ thống đo sáng

Việc sử dụng thiết bị đo sáng ngoài là khi hệ thống đo sáng của chiếc máy đó bị hỏng do thời gian hoặc do hết pin. Thiết bị đo sáng ngoài có thể là máy đo sáng rời hay đơn giản là app đo sáng trên điện thoại (ví dụ Pocket Light Meter). 

Thiết bị đo sáng rời và app đo sáng

Như vậy nếu mua những chiếc máy được bảo quản tốt thì chẳng cần phải dùng thiết bị đo sáng ngoài đâu bạn nhé! Ngoài ra thì có một đặc sản của nhiếp ảnh film là “tắt đo sáng để chụp” hay “đo sáng bằng cơm”. Quy tắc đo sáng được các bác nhiếp ảnh gia thế hệ trước đúc rút lại là Sunny 16 (đại ý rằng dựa vào tình hình thời tiết và vị trí đứng để set được tốc độ đúng theo ISO của film và khẩu độ mong muốn). Nếu bạn thông thạo được quy tắc này thì không cần thiết bị đo sáng, ảnh vẫn ra đẹp nha!

Nhân tiện bên trên có nhắc đến “bảo quản máy”, mình cũng muốn giới thiệu một số tips để bảo quản máy ảnh trong mùa đông, đọc thêm tại đây nha!

6. Máy film không hề có chế độ auto?

Như đã nói ở trên thì mặc dù được sản xuất từ khá lâu rồi nhưng máy film vẫn có chế độ tự động (auto). Chế độ này phổ biến ở các máy bán cơ, dòng chuyên nghiệp hoặc các máy point-and-shoot. Khi muốn sử dụng chỉ cần xoay bánh răng sang chế độ này, chỉnh khẩu độ phù hợp còn tốc độ sẽ được điều chỉnh tự động.

Tuy nhiên tất cả máy muốn sử dụng chế độ tự động thì pin vẫn phải hoạt động được, nếu không thì chỉ chụp như máy cơ bình thường với tốc độ cố định.


Ví dụ kinh điển: Nikon FE là dòng máy khá nổi tiếng, phù hợp với người mới. Khi còn pin thì máy có thể đo sáng, sử dụng chế độ Auto. Khi hết pin thì máy chỉ có thể chụp với tốc độ 1/90s (M90).

Tiền nhiệm của Nikon FE là Nikon FM (máy full cơ). Nikon FM khi còn pin thì đo sáng được, không có chế độ auto. Khi hết pin thì không còn đo sáng nhưng vẫn chụp bình thường ở mọi tốc độ. 

7. Máy film chỉ chụp được ở ngoài trời?

Lầm tưởng này có thể đến từ 2 nguyên nhân:

- Chụp film thì độ nhạy sáng ISO phụ thuộc hoàn toàn vào cuộn film, thường có chỉ số thấp như 100, 200, 400, thậm chí 50; trong khi máy kỹ thuật số có thể nâng con số nên lên tới 16000, 25000,...

- Những tấm chụp film thế kỉ trước cũng như gần đây chủ yếu là ở ngoài trời, ngoại cảnh nên mới dẫn đến hiểu lầm: chụp film chỉ xài được ngoài trời.

Credit: Nguyễn Hùng

Thực ra thì nếu muốn là khắc phục được ngay. Khi cần chụp trong nhà (indoor), bạn có thể tham khảo những cách sau:

- Chụp studio: có setup đèn đánh sáng đầy đủ vào phông nền, có hắt sáng.

- Sử dụng chân máy (tripod): khi này bạn sẽ không phải lo lắng về việc run tay khi để tốc độ chụp thấp nữa, thoải mái để tốc xuống 1/30s, 1/15s,..và nhớ đứng yên đừng chớp mắt nha.

- Sử dụng đèn Flash: combo chụp ảnh film huyền thoại những năm 2000, bất chấp mọi loại điều kiện ánh sáng kể cả ban đêm luôn nhé!

 

Credit: Nguyễn Hùng

8. Hiệu ứng chồng film là sản phẩm Photoshop?

Khi thấy những tấm hình mang hiệu ứng lồng vào nhau một cách rất ảo diệu, theo tự nhiên mọi người sẽ nghĩ đây là sản phẩm Photoshop. Thực ra mọi người đều có thể thực hiện hiệu ứng ảo diệu đó ngay trên chiếc máy film đó!

Credit: Nguyễn Hùng

Kỹ thuật này hiểu đơn giản rằng 1 tấm film được phơi sáng 2 lần nên hình ảnh được ghi lại bởi 2 lần tiếp xúc với ánh sáng đó chồng lên nhau. Hình ảnh trên tấm 2 sẽ hiển thị rõ trên vùng tối của tấm 1. Nhờ nguyên tắc này mà các nhiếp ảnh gia có thể thoải mái sáng tạo để tạo nên nhiều bức hình ấn tượng ngay trên máy chứ không cần sự can thiệp từ Photoshop. Một “tuyệt chiêu” trong Photoshop cũng được khai sinh từ đây mà ra, mang tên Double Exposure (phơi sáng kép).

Để thực hiện chồng film có 2 cách:

- Nếu máy có sẵn nút chồng film, thì chỉ cần nhấn nút và lên cò cho tấm thứ 2 rồi chụp là ổn

- Nếu máy không có sẵn nút chồng film thì bạn giữ nút tua lại film (rewind) + giữ vòng tua film, sau đó lên cò để tấm film 1 không bị tua đi rồi chụp tiếp tấm film 2.

Cuối cùng, nếu bạn đang muốn tìm hiểu về Nhiếp ảnh film để có một vài bức ảnh hoài cổ “để đời”, hãy bắt đầu từ phân loại film. Chúng mình có một vài tips nhỏ cho bạn qua cẩm nang Nhiếp ảnh Film cho người mới bắt đầu

TẠM KẾT.

Hi vọng qua bài viết này, mình đã giúp những bạn mới có cái nhìn đúng đắn hơn về thú chơi film để có quyết định phù hợp cho bản thân. Nếu bạn muốn có 1 nền tảng kiến thức, kỹ thuật để mau thành thạo chụp film và tự định hình được phong cách “chơi ảnh” của mình, hãy tham khảo khóa học Nhiếp ảnh (Photography) của ColorME ngay nhé! Sẽ có studio và buổi dã ngoại để bạn thực hành luôn đó!

Mạnh Hùng · 2020-12-20 16:29:27 · 29496 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội