Bí quyết cho thiết kế Slide hiệu quả Phần 1 · Font chữ

Quỳnh Phạm · 2018-08-16 18:25:06 · 17794 lượt xem
image - Bí quyết cho thiết kế Slide hiệu quả   Phần 1 ·  Font chữ

Khi làm việc với chữ trong thiết kế slide, chúng ta phải quan tâm đến nhiều điều hơn nữa chứ không chỉ yếu tố thẩm mỹ. Một font chữ đẹp, hài hòa với silde cũng chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Bởi lẽ, thiết kế slide có những đặc trưng riêng:

Về kiểu chữ

Thiết kế slide là thiết kế trình chiếu, nghĩa là người xem sẽ không nhìn chúng ở khoảng cách gần, khán giả ngồi bên dưới có khi phải xem slide thuyết trình từ những khoảng cách rất xa; sự nhận diện chính xác hình ảnh sẽ giảm xuống. Hãy tưởng tượng, bạn sẽ rất khó chịu khi chỉ có thời gian ngắn để đọc một slide, nhưng cứ liên tục phải nheo mắt để đọc đúng hàng chữ. Vì vậy, để hạn chế những điều này, Font chữ trong thiết kế slide phải THỰC SỰ DỄ ĐỌC.

Trong các loại typo, Sans serif là kiểu dễ đọc nhất. Do Các chữ cái “không có chân” (tức là không có phần “hất lên” ở nét kết thúc), nên trong cùng một từ, mỗi chữ cái có độ độc lập riêng khiến người xem dễ nhận diện hơn. Sans serif là kiểu chữ an toàn cho mọi thiết kế slide, bạn có thể yên tâm dùng cho cả phần tiêu đề và body text

Xếp số 2 về độ dễ đọc là Serif - chữ có chân. Kiểu chữ này thường được khuyến khích sử dụng cho phần tiêu đề hơn là các đoạn body text, lý do đơn giản là vì chữ ở phần tiêu đề luôn có kích thước lớn, người xem dễ nhìn thấy hơn. Còn với các đoạn body text có cỡ chữ nhỏ, Serif chưa chắc đã phù hợp.

Kiểu chữ cuối cùng bài viết này muốn đề cập là Script - chữ viết tay, bạn nên tuyệt đối cẩn thận với kiểu chữ này, hãy kiểm tra thật kỹ nếu như bạn muốn sử dụng chúng cho slide. Khi bạn nhìn ở khoảng cách gần, qua màn hình máy tính, đây có thể là kiểu chữ rất “xinh”, rất nghệ thuật. Tuy nhiên, khi trình chiếu slide, những nét ngoằn ngoèo, nối và lẫn lộn giữa các chữ cái thực sự khiến người xem khó đọc. Tuyệt đối nói không với Script ở phần body text, còn với phần tiêu đề, hãy check kỹ để chắc chắn chúng không quá khó đọc với người xem.
Đây là một ví dụ tiêu biểu để chúng ta thấy rằng, một thiết kế đẹp chưa chắc đã là một slide hiệu quả.

Bạn cũng nên tránh các kiểu in nghiêng hay in đậm vì chúng làm font chữ khó đọc hơn, đặc biệt là với các đoạn văn dài.

Về cỡ chữ

Trong thiết kế slide, thực sự có nhiều lời khuyên khác nhau về một khoảng an toàn khi chọn cỡ chữ, bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên, khoảng cách mà tôi thường sử dụng là:

Tiêu đề: 32-42pt

Body text: 24-32pt

Tùy với từng kiểu chữ và bố cục cụ thể mà bạn lựa chọn một cỡ chữ khác nhau. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các slide phải luôn nhất quán để tạo tính liên kết cho cả bài thuyết trình, do đó bạn nên duy trì chung một cỡ chữ cho toàn bộ tiêu đề của bộ slide.

Phân cấp thông tin

Chúng ta đều biết rằng, ngoài yếu tố minh họa cho bài thuyết trình sinh động, slide còn có nhiệm vụ quan trọng giúp người nghe dễ nhớ nội dung hơn. Một phân cấp thông tin hợp lý sẽ giúp người nghe biết được đâu là ý chính, đâu là ý phụ, đâu là phần phân tích, từ đó nắm bắt nội dung tốt hơn.

Bài viết này giới thiệu đến bạn 7 cách thường dùng để nhấn mạnh thông tin hiệu quả:

  • - In đậm
    - Gạch dưới
    - In nghiêng
    - Viết hoa
    - Word art
    - Đổi màu chữ
    - Tăng cỡ chữ

Hãy nhớ rằng chúng ta sử dụng những cách này để nhấn mạnh thông tin, nghĩa là giữa một đoạn văn chữ thường, bạn hãy thay đổi font chữ của một vài từ quan trọng nhất theo các cách trên, điều đó khiến chúng đặc biệt và thu hút người nghe tập trung vào chúng hơn. Tuyệt đối đừng dùng những cách trên cho cả câu dài nhé, nhức mắt và khó chịu lắm đấy.

Về "số lượng"

Một sai lầm thường gặp nhất khi thiết kế slide, đó là trình quá nhiều chữ. Điều này có thể do bạn cho rằng tất cả phần chữ đó đều quan trọng, hoặc đôi khi vì bạn cần chúng để tạo ra một layout đẹp. Tuy nhiên, slide đẹp chưa hẳn đã hiệu quả đâu nha.

Tâm lý chung của chúng ta là “nhiều chữ quá thì ngại đọc”, vì vậy khi đặt quá nhiều chữ lên slide, bạn sẽ tạo cho người xem cảm giác “chán”. Và kể cả họ đọc hết phần text dài đó, chưa chắc đã tối ưu cho thuyết trình, bởi lẽ những thông tin hay nhất đã đọc được trên slide rồi thì còn nghe thuyết trình làm gì nữa.

Không nên quá 4 dòng cho mỗi slide (điều này đòi hỏi người làm slide phải có kỹ năng chắt lọc thông tin rất tốt)

Cuối cùng, “số 3 huyền thoại” - đừng quá 3 fonts chữ trên một slide nhé, thiết kế của bạn sẽ trở nên phức tạp và rối rắm hơn đó.

___
Bài viết này đã đề cập đến font chữ trong thiết kế silde, chúng ta sẽ cùng bàn đến vấn đề màu sắc và layout trong bài viết tiếp theo nhé.
Silde hoàn hảo cho bài thuyết trình “ăn” điểm nào. Chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích nhé.

Quỳnh Phạm · 2018-08-16 18:25:06 · 17794 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội