"Tất tần tật" kiến thức căn bản cho người tự học thiết kế Logo
Logo là một phần quan trọng cấu thành nên bộ nhận diện. Trông có vẻ đơn giản nhưng để một logo có thể lồng ghép thông điệp, hình ảnh thương hiệu thì không hề dễ dàng chút nào. Có rất nhiều điều bạn cần xem xét kỹ lưỡng trước khi bắt tay thiết kế một logo như màu sắc, bố cục, font, loại logo… Trong bài viết này, ColorME sẽ hệ thống cho bạn những kiến thức căn bản cần nắm vững khi tự học thiết kế logo, cùng khám phá ngay nhé!
- Hướng dẫn sử dụng magic wand tool trong Photoshop
- Dominance in Design
- Lookbook là gì? 4 Tips để có một bộ lookbook ấn tượng
- 2 bước đơn giản ghép nền trời mây vào ảnh ngoại cảnh trong Photoshop
- Phần mềm làm Video từ ảnh Proshow Producer: đơn giản, đẹp mắt, nhanh chóng.
- Lựa chọn trở thành Designer fulltime hay freelancer?
1. Chọn kiểu logo phù hợp
Nắm bắt các hình dạng logo và ý nghĩa của từng loại
Lettermark
Những ví dụ cho kiểu logo Lettermark hay Monogram là logo như HP, HBO< CNN, YSL… Họ sử dụng các chữ cái đầu để làm logo thay vì phải sử dụng nguyên một tên dài như HP là Hewlett-Packard, HBO là Home Box Office, CNN là Cable News Network…
Kiểu thiết kế này phù hợp với những thương hiệu có tên dài, các thiết kế của lettermark thường rất đơn giản, chỉ cách điệu vài chi tiết của các chữ cái hoặc sử dụng đồng bộ một typeface riêng biệt.
Wordmark
Khác với logo Lettermark chỉ có các chữ cái đầu của tên doanh nghiệp được sắp xếp lại thành tên thương hiệu thì kiểu logo Wordmark lại là tên gốc của doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức được trình bày đầy đủ.
Rất nhiều thương hiệu lớn sử dụng logo kiểu Wordmarks như Coca-cola, Google, Visa hay đặc biệt là các ngân hàng thương mại như Vietcombank, Techcombank… cũng rất chuộng loại logo này. Tuy nhiên, một logo sử dụng Wordmark chỉ hoạt động hiệu quả khi tên thương hiệu dễ đọc, dễ hiểu, ngắn gọn và ấn tượng.
Cũng giống như logo Lettermark, yếu tố kiểu chữ luôn nắm quyết định quan trọng và là trọng tâm của logo. Vì vậy, bạn sẽ cần một font chữ có thể thể hiện tính cách, hình ảnh của thương hiệu và khiến khách hàng dễ dàng ghi nhớ chúng. Ví dụ, các mặt hàng thời trang sẽ có xu hướng sử dụng font thanh lịch, nhã nhặn bộc lộ được vẻ sang trọng.
Pictorial mark
Pictorial mark (Brand mark) là loại logo sử dụng một biểu tượng nào đó để làm “đại sứ” cho thương hiệu đó. Ví dụ, “Apple” sẽ khiến người ta liên tưởng đến quả táo, hay “Twitter” là hình chú chim xanh.
Các biểu tượng này khi đứng một mình ở bất cứ đâu thì bạn cũng sẽ nhận ra là logo của thương hiệu nào. Kiểu logo này chỉ đơn giản là một hình ảnh hay biểu tượng được cách điệu để phù hợp với doanh nghiệp. Vì vậy, với những doanh nghiệp mới, khách hàng sẽ mất một thời gian dài để ghi nhớ biểu tượng đó là gì, ý nghĩa như thế nào và gắn liền với thương hiệu nào, đặc biệt là kinh doanh sản phẩm gì. Tuy nhiên, điểm cộng của kiểu logo này là khả năng tạo ấn tượng và khắc sâu trong tâm trí khách hàng rất mạnh mẽ đến mức họ có thể nhớ chính xác hình ảnh và màu sắc của logo.
Abstract mark
Abstract mark là một kiểu logo có dạng hình học trừu tượng hiện đại, ví dụ như logo của Nike, Adidas, Pepsi… Giống như những kiểu logo biểu tượng khác, logo trừu tượng được gói gọn ý nghĩa của thương hiệu qua một hình ảnh duy nhất. Tuy nhiên, việc sáng tạo logo trừu tượng không bị bó buộc theo một khuôn mẫu hay một thứ gì đó dễ nhận ra mà cho phép designer tạo ra những biểu tượng logo thực sự độc đáo.
Mascot
Mascot hay còn gọi là logo linh vật, lấy một nhân vật minh họa đại diện cho thương hiệu. Logo Mascot nổi tiếng ví dụ như con ong của thương hiệu Jollibee, đại tá Harland Sanders của KFC.
Mascot phù hợp với những sản phẩm/ dịch vụ muốn tạo ra bầu không khí thân thiện, vui vẻ cho khách hàng, hoặc một ý nghĩa lớn hơn là mang lại may mắn cho thương hiệu đó. Logo dạng này cũng có thể chuyển thành dạng mô hình có người thật điều khiển, giúp tạo tương tác trực tiếp giữa thương hiệu với khách hàng.
Ngoài những logo phổ biến trên, còn có The emblem - Logo biểu tượng khung hay Combination mark - Logo kết hợp.
2. Lựa chọn phong cách cho logo
Có một vài phong cách logo bạn có thể tham khảo như sau:
Truyền thống
Logo trendy có thể vui nhộn và thú vị, nhưng rất nhanh chóng bị lỗi thời. Phong cách truyền thống cho bạn sự bền vững hơn và dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Phong cách này hướng đến sự đơn giản, không phối quá nhiều màu sắc, hình ảnh. Phong cách truyền thống tạo cho thương hiệu hình ảnh đáng tin cậy và thực tế.
Retro hoặc vintage
Hoàn toàn có lý do tại sao thiết kế vintage và retro luôn xuất hiện trên thị trường lâu nay. Phong cách này sẽ có xu hướng gợi nhắc và quá khứ và tạo sự lãng mạn. Một logo vintage cho khách hàng biết rằng lịch sử và những giá trị trong quá khứ là một phần quan trọng đối với thương hiệu của bạn. Logo handmade với màu nâu và màu be là cực kỳ phù hợp với phong cách này.
Vui vẻ và ngộ nghĩnh
Đây là một lựa chọn phổ biến cho các thương hiệu có khách hàng mục tiêu là trẻ em (hoặc mang tính trẻ trung như quán cà phê). Phong cách vui nhộn và ngộ nghĩnh có xu hướng nhiều màu sắc, dễ thương và thường sử dụng các biểu tượng hoặc hình minh họa để tạo ra cảm giác tích cực và thân thiện. (mấy quán cà phê như MIB, Windmills,... cũng sử dụng kiểu logo này).
3. Lưu ý màu sắc logo
Màu sắc là một phần rất quan trọng trong thiết kế. Đằng sau mỗi màu sắc có những cảm xúc và ý nghĩa nhất định gắn liền với chúng. Chẳng hạn sắc đỏ bên cạnh sự may mắn còn gợi cảm giác đói bụng, vì vậy nó thường gắn với các thương hiệu đồ ăn uống, màu đen tạo sự trang trọng, nhã nhặn thường được sử dụng cho các nhãn hiệu thời trang… Tham khảo Trọn bộ từ điển màu sắc cho designer để nắm vững các lý thuyết về chúng nhé!
Có 6 cách cơ bản để bạn có thể phối một bảng màu cho thiết kế của mình:
- Monochromatic - Phối màu đơn sắc
- Analogous - Phối màu tương đồng
- Complementary – Phối màu tương phản
- Split Complementary – Phối màu bộ ba/ Phối màu tam giác cân
- Tetradic - Phối màu hình chữ nhật
- Square - Phối màu hình vuông
4. Chọn font chữ phù hợp với thương hiệu
Với hàng ngàn font hiện nay, chọn một font phù hợp với logo của bạn không phải là một điều dễ dàng. Mỗi font sẽ truyền tải một cảm xúc khác nhau do đó sẽ tương ứng với một thuộc tính khác nhau của thương hiệu.
Hãy cùng ColorME khám phá xem các phong cách khác nhau của font và sự khác biệt về hình ảnh của chúng có ý nghĩa gì đối với việc xây dựng thương hiệu nhé!
Font Serif
Các font có chân ở phần kết thúc được gọi là font serif. Đây là loại font vượt thời gian, cao cấp, cổ điển gắn liền với truyền thống và sự hiếu khách. Font serif nổi tiếng nhất là Times New Roman. Loại font này chưa bao giờ lỗi thời và thường được sử dụng để thu hút nhóm đối tượng khách hàng trưởng thành, sản phẩm mang tính sang trọng.
Font Sans-serif
Những font này không có chân như font serif, vì vậy chúng sẽ trông trẻ trung và hiện đại hơn. Font Sans-serif là font dễ đọc, nó hoạt động tốt trên các phương tiện online/graphic. Vào facebook hay google bạn sẽ thấy ngay font sans-serif mà họ sử dụng, các thiết kế bìa sách poster cũng hay ứng dụng font này.
Font Script và Handwritten
Font Script và Handwritten sẽ thêm hàng tấn cá tính vào logo và có xu hướng giúp logo của bạn trang trọng, thanh lịch và nữ tính hơn, sáng tạo và bay bổng hơn. Đây là một trong những kiểu chữ khó đọc, vậy nên đừng bao giờ sử dụng nó để viết một đoạn văn dài. Khi được sử dụng đúng thời điểm và vị trí, chúng có thể làm cho logo của bạn đặc biệt và mang tính biểu tượng. (Cocacola là một ví dụ kinh điển).
Font Display
Cuối cùng, font display là những font trang trí, được biến đổi từ một font bình thường hoặc thiết kế riêng để mang đậm dấu ấn cá nhân cho một thương hiệu nào đó. Để dễ hình dung, bạn hẳn đã từng xem Harry Potter, hãy nhìn bìa truyện và tên phim, font sử dụng cho thương hiệu là một font display.
Chúng có thể sôi nổi, vui vẻ, rùng rợn, viễn tưởng - nhưng hãy cẩn trọng khi sử dụng những font này vì nó "rất trendy", nếu không phù hợp với tính cách thương hiệu của bạn sẽ gây ra rắc rối lớn.
Bạn có thể tham khảo thêm 30 font chữ cực đẹp được các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới sử dụng để có thêm gợi ý cho logo của mình nhé!
Tạm kết
Hi vọng bài viết trên có thể giúp ích cho bạn trong quá trình tìm tòi, tự học thiết kế logo. Nếu còn đang e ngại thì bạn có tham khảo khóa học Illustrator cơ bản tại ColorME. Kết thúc 8 buổi bạn có thể tự tin làm chủ công cụ AI và tự tạo bộ nhận diện thương hiệu cho riêng mình rồi đó!