Post Production là gì? Post Production trong Video, nhiếp ảnh, âm nhạc khác nhau thế nào?

Mạnh Hùng · 2020-03-26 15:08:19 · 13162 lượt xem
image - Post Production là gì? Post Production trong Video, nhiếp ảnh, âm nhạc khác nhau thế nào?

Post Production là một công đoạn quan trọng trong sản xuất các sản phẩm nghe nhìn. Vậy Post Production cụ thể là gì và sự khác nhau giữa post production trong video, nhiếp ảnh, âm nhạc khác nhau ra sao? Cùng tìm hiểu ngay với ColorME nhé!

I. Post Production là gì?

Post Production là giai đoạn sản xuất hậu kỳ (phân biệt với Pre Production - tiền kỳ) của các sản phẩm nghe nhìn như phim, MV, nhiếp ảnh, âm nhạc. Ở giai đoạn này, các editor (nhà biên tập) sẽ ghép và chỉnh sửa những đoạn đã được quay - thu trước đó trở thành sản phẩm hoàn chỉnh theo yêu cầu của NSX. 

Đối với quá trình sản xuất hậu kỳ, thời gian là yếu tố được đặt lên hàng đầu bởi nó thường mất nhiều thời gian hơn so với thời gian quay/ chụp/ thu thực tế. Ví dụ, bạn quay một TVC quảng cáo trong 1 ngày nhưng bạn phải mất đến 4-5 ngày để hoàn thành các công việc chỉnh sửa, cắt ghép, chèn âm thanh, animation, dựng video,...  

Về vai trò và quy trình thực hiện Post Production mời các bạn đọc thêm tại bài viết.

II. Post Production trong làm video - nhiếp ảnh - âm nhạc

1. Post Production video

Lĩnh vực này bao gồm các sản phẩm như phim, truyền hình, MV. Sản xuất video sẽ được đề cập đầu tiên bởi loại hình này bao gồm cả hình ảnh và âm thanh.

Trước tiên những cảnh quay sẽ được cắt, dựng và chỉnh sửa lại theo ý đồ của đạo diễn/ NSX. Ở bước này, tất cả yếu tố như hiệu ứng, animation sẽ được thêm vào để tạo sự hấp dẫn và sinh động cho video. Các kỹ xảo (visual effects) giúp tạo ra những hình ảnh sáng tạo, đáng kinh ngạc và khó thực hiện ngoài đời thực.

Bước tiếp theo là chỉnh màu (color grading). Màu sắc góp phần thể hiện nội dung sản phẩm và định hướng cảm xúc của người xem nên công đoạn này cần làm cẩn thận. Trên thế giới, rất nhiều bộ phim với màu sắc trong từng khung hình rất tuyệt vời, có thể tạo thành một palette màu riêng mang âm hưởng của bộ phim đó. 


Ví dụ: Forrest Gump, Titanic, Frozen, Avatar, Once upon a time in Hollywood, Avengers: Infinity War,...Thậm chí có cả những dòng phim gây ấn tượng với người xem phần lớn bởi màu sắc, đó là dòng phim HongKong 90s của đạo diễn Vương Gia Vệ. Không phải ngẫu nhiên mà các giải thưởng danh giá như Oscar có hạng mục “Best visual effect” đâu nhé!  

Sau chỉnh màu là bước thêm âm thanh và lồng tiếng. Nếu thu âm thanh trực tiếp thì phải thêm bước lọc đi tạp âm để âm thanh, lời thoại được rõ ràng nhất (ví dụ tạp âm như tiếng xe cộ, tiếng kêu của chó mèo,...) 

Khi đã kiểm tra toàn bộ thông tin, hiệu ứng xong, những dòng phụ đề, lời thoại hay credit sẽ được thêm vào đúng vị trí, thời gian.

Trên đây là quy trình đối với phim, còn đối với truyền hình có lẽ cần chú ý hơn về dòng title, thông tin; đối với các MV thì chú trọng hơn về mặt âm thanh và cách cắt ghép sắp xếp các đoạn riêng lẻ.


Các phần mềm thường được sử dụng trong Post Production Video:

- Adobe Premiere Pro, Adobe After Effects: cắt ghép, thêm chuyển cảnh, kỹ xảo, thêm title, text, chèn âm thanh..

- Adobe Audition: lọc âm thanh, tạp âm (nếu có)

- Adobe Lightroom, Davinci Resolve: chỉnh màu cho video 

- Adobe Photoshop/ Illustrator: tạo chiếc ảnh thumbnail cho video.

2. Post Production nhiếp ảnh (photography)

Công việc hậu kỳ thường sẽ áp dụng với nhiếp ảnh kỹ thuật số (digital photography) với số lượng file “khủng” được lưu trong thẻ nhớ. Đối với nhiếp ảnh film thì mọi người thường chỉ chỉnh sửa những thứ rất nhỏ và ít chỉnh màu để tôn trọng màu film tự nhiên.

Trong nhiếp ảnh nếu làm việc trong một ekip thì người chụp không nhất thiết là người làm post production. Những người chuyên làm post production sẽ áp dụng một loạt các thao tác chỉnh sửa trên định dạng ảnh thô (file raw) cung cấp bởi người chụp hoặc ngân hàng hình ảnh. 

- Đầu tiên file hình ảnh raw sẽ được đưa tất cả vào phần mềm.

- Sau đó là bước phân loại ảnh, ở bước này Adobe Lightroom sẽ cho phép người dùng rate mỗi file vừa import vào trên thang từ 1 đến 5* để có thể quản lý tốt hơn.

- Người làm hậu kỳ sẽ chỉnh sửa cân bằng trắng, chỉnh màu các tấm tiêu biểu đẹp nhất, rồi lưu thành một preset và áp cho những tấm còn lại để đảm bảo cả bộ ảnh có cùng một tone màu.

- Thực hiện chỉnh sửa kĩ với từng tấm. Nếu để tách chủ thể ra thì sẽ dùng Pen Tool. Còn nếu xử lý như xóa mụn, làm sáng, mịn da mẫu hoặc xóa phần thừa trong ảnh thì có thể dùng healing tool, clone tool, path tool.

Làm ảnh hậu kỳ phục vụ các ngành khác nhau thì thế nào?

- Ảnh quảng cáo: yêu cầu một background và các chủ thể/ mẫu. Đây thường là công việc tốn nhiều thời gian vì người làm hậu kỳ phải biết cả thiết kế và phải làm việc với nhiều file có điều kiện ánh sáng khác nhau, không kiểm soát được tất cả.

- Ảnh sản phẩm: thường là một loạt hình ảnh cùng đối tượng với ánh sáng và góc chụp khác nhau. Ví dụ để có một bộ ảnh cho một ly bia thì có thể cần 1 set cho màu bia, cho bọt, nhãn hiệu, chiếc cốc, thân chai bia, v,v…

- Ảnh thời trang: người làm post production cần làm nổi bật chủ thể và cũng cần biết thiết kế để sử dụng các yếu tố khác phù hợp, không làm lu mờ chủ thể. - Ảnh chụp mẫu: cái này thì phổ biến, hầu như ai chơi ảnh cũng sẽ trải qua. Làm dịch vụ thì tiêu biểu nhất là ảnh kỷ yếu, số lượng mỗi buổi chụp thường lên tới hàng nghìn tấm và nên thực hành theo các bước bên trên để tiết kiệm thời gian chỉnh từng tấm.

Các phần mềm thường được sử dụng trong Post Production Photography:

- Adobe Lightroom: quản lý file ảnh, chỉnh màu và sửa một số khuyết điểm

- Adobe Photoshop: chỉnh sửa can thiệp vào hình ảnh sâu hơn, tách nền chủ thể

- Adobe Illustrator: lồng ghép chủ thể vào các layout khác nhau, thêm text phù hợp.


Tham khảo: Khóa học Nhiếp ảnh (Photography) cơ bản

3. Post Production âm nhạc (music)

Các kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất hậu kỳ âm nhạc bao gồm: 

- Biên dịch (tổng hợp các phần tốt nhất của nhiều bản nhạc thành một bản nhạc tốt nhất)

- Điều chỉnh thời gian và cao độ (có lẽ thông qua lượng tử hóa nhịp)

- Thêm hiệu ứng.

Quá trình này thường được gọi là “Mixing” và cũng có thể liên quan đến việc cân bằng và điều chỉnh mức độ của từng bản nhạc riêng lẻ để cung cấp trải nghiệm âm thanh tối ưu. Trái với tên, hậu kỳ có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình ghi và sản xuất.

Các phần mềm thường được sử dụng trong Post Production Music:

- Adobe Audition: lọc tạp âm và mix nhạc cơ bản

- Mix hay remix nhạc nâng cao thì cần sử dụng các phần mềm liên quan đến công việc DJ ví dụ như Serato DJ Pro, MAGIX Digital DJ,....


TẠM KẾT

Vậy là trên đây ColorME đã giới thiệu về công đoạn Post Production trong sản xuất các sản phẩm nghe nhìn khác nhau. Để ra được những sản phẩm công phu thì hẳn các nhà hậu kỳ cũng đã phải rất kỳ công và tỉ mỉ. Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội trở thành một nhà hậu kỳ thì đừng bỏ qua khóa học về Adobe Premiere ProAdobe After Effect và Adobe Photoshop nhé! Đảm bảo bạn sẽ có nền tảng vững chắc sau khóa học ngắn và chi phí hợp lý này đó!

Mạnh Hùng · 2020-03-26 15:08:19 · 13162 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội