8 cách tìm cảm hứng thiết kế cho người mới bắt đầu

Việt Hùng · 2022-07-22 09:45:06 · 6635 lượt xem
image - 8 cách tìm cảm hứng thiết kế cho người mới bắt đầu

Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đã từng một lần “đi vào ngõ cụt” trong suy nghĩ khi deadline thì đang đuổi sát người rồi phải không nào. Đặc biệt là với những bạn mới bắt đầu học thiết kế thì việc tìm cho mình những ý tưởng mới lại càng trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn bao giờ hết dù cho đã thử rất nhiều cách khác nhau. Vậy thì ngày hôm nay, hãy để colorME mách cho bạn 8 mẹo giúp bạn tìm bằng được “anh bạn ý tưởng” đấy nhé.

1. Cách tìm cảm hứng thiết kế #1: Đọc blog

“Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn” - Barack Obama. Không riêng gì lĩnh vực thiết kế, việc tạo cho mình thói quen đọc là một điều vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, mọi tri thức và kinh nghiệm từ những người đi trước đều sẽ được lưu trữ lại ở dạng văn bản - điều bạn sẽ khó có thể tìm được một cách trọn vẹn ở những hình thức khác.

Đọc blog là một trong những cách tìm cảm hứng thiết kế hiệu quả nhất với người mới bắt đầu

Đọc blog là một trong những cách tìm cảm hứng thiết kế hiệu quả nhất với người mới bắt đầu

Và khi công nghệ ngày một phát triển, những người mới bắt đầu học thiết kế lại càng có nhiều lựa chọn để đọc hơn sao cho thuận tiện với bản thân mình nhất. Sẽ không còn việc phải kè kè một quyển sách bên cạnh hay bị giới hạn về nội dung, người đọc có thể tìm đến các blog trong và ngoài nước bằng chính chiếc điện thoại hoặc laptop của mình.

Là cách tìm cảm hứng thiết kế đơn giản nhất, việc đọc blog sẽ giúp bạn có được những kiến thức mang tính học thuật, những nguyên lý cơ bản, và cả những thông tin được cập nhất mới nhất. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý trong việc chọn lựa thể loại blog sao cho đúng với mục tiêu của mình nhất để tránh việc đọc lan man mà không hỗ trợ được nhiều trong công việc nhé.

2. Cách tìm cảm hứng thiết kế #2: Theo dõi những designer có kinh nghiệm

Cách tìm cảm hứng thiết kế này cũng gần giống với phương pháp trên, tuy nhiên lại có một điểm thuận tiện hơn, đó là bạn có thể trao đổi trực tiếp với người cung cấp thông tin. Bởi lẽ không phải lúc nào bạn cũng có thể dễ dàng tìm được thông tin tác giả để hỏi về những điều họ viết. Trong khi đó, bằng việc theo dõi những designer có kinh nghiệm trên các trang mạng xã hội, bạn có thể trực tiếp nhắn tin để hỏi về những sản phẩm của họ, hay đơn giản là bày tỏ sự mến mộ của mình với những điều họ đã tạo nên.

Follow những bậc tiền bối trong làng design là cách mà giới trẻ hay làm để tìm cảm hứng thiết kế

Follow những bậc tiền bối trong làng design là cách mà giới trẻ hay làm để tìm cảm hứng thiết kế

Một trong những lợi ích nữa của việc theo dõi những designer có kinh nghiệm như một cách để tìm cảm hứng thiết kế chính là sự đa dạng. Sự đa dạng đó nằm ở kênh theo dõi khi bạn có thể tìm được những designer có kinh nghiệm thông qua tài khoản của họ trên Instagram, Facebook hay thậm chí là cả TikTok (đây toàn là những kênh Gen Z hay dùng phải không nào). Sự đa dạng đó còn nằm ở lĩnh vực khi cùng là trên Instagram, bạn có thể tìm được những tài khoản chuyên về Photoshop, về Illustrator hay là cả Figma nữa.

3. Cách tìm cảm hứng thiết kế #3: Nghe podcast

Với một thế hệ thường lựa chọn “multitasking”, thì nghe podcast chính là chân ái trong việc tìm cảm hứng thiết kế rồi. Bạn có thể vừa tập thể dục vừa lắng nghe những bài chia sẻ về các kiến thức cơ bản nhất trong thiết kế, vừa dọn nhà vừa “thấm nhuần” những câu chuyện trong ngành, hay thậm chí là vừa chạy deadline vừa đưa tai nghe “lời thầm thì” từ những người có kinh nghiệm.

Đừng bỏ qua việc nghe podcast vì đây là xu hướng mới trong những cách tìm cảm hứng thiết kế đó

Đừng bỏ qua việc nghe podcast vì đây là xu hướng mới trong những cách tìm cảm hứng thiết kế đó

Thông qua việc nghe podcast, bạn hoàn toàn có thể có được một bức tranh tổng quan về lĩnh vực sáng tạo nói chung và thiết kế nói riêng tại Việt Nam, những suy tư và triết lý của designer về cái đẹp, hay thậm chí là cả những câu chuyện về thiết kế trên toàn thế giới. Nếu bạn chưa biết nên bắt đầu với những podcast nào, thì danh sách này có lẽ sẽ hữu ích với bạn đó.

4. Cách tìm cảm hứng thiết kế #4: Xem phim

Nếu những cách trên vẫn chưa khiến bạn cảm thấy được truyền cảm hứng thì có lẽ đây sẽ là câu trả lời cho mỗi lần ý tưởng đi vào bế tắc này. Vốn dĩ việc xem phim, đặc biệt là các bộ phim ý nghĩa, đã giúp cho chúng ta nhận ra được rất nhiều câu chuyện, bài học rồi phải không nào? Vậy nên việc tìm cho mình những những bộ phim về thiết kế xen lẫn yếu tố hài hước, tình cảm, hoặc thậm chí là kịch tính cũng sẽ giúp bạn có được một nguồn cảm hứng mới đấy.

Xem phim cũng là cách tìm cảm hứng thiết kế mỗi khi căng thẳng đó

Xem phim cũng là cách tìm cảm hứng thiết kế mỗi khi căng thẳng đó

Và kể từ khi Netflix nổi lên như một hình thức giải trí mới cho giới trẻ, rất nhiều bộ phim bổ ích và hấp dẫn cũng từ đó được đưa tới khán giả hơn. Mà nhắc tới dịch vụ phát video trực tuyến này thì ta không thể không nhắc tới cụm từ đầy ẩn ý “Netflix and chill” rồi phải không. Tuy nhiên hôm nay, hãy tạm bỏ qua phần “chill” để tìm hiểu 5 bộ phim Netflix chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho bạn nhé.

5. Cách tìm cảm hứng thiết kế #5: Tìm meme

Đây là một trong những cách tìm cảm hứng thiết kế “hề” nhất nhưng lại vô cùng hiệu quả. Lý do đầu tiên là bởi xem những meme chất lượng, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy buồn cười. Chính sự vui vẻ đó sẽ dẫn tới trạng thái tâm lý thoải mái hơn trong công việc, điều sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra được những ý tưởng mới cho bản thân mình.

Ai bảo meme không phải là cách tìm cảm hứng thiết kế thì chắc là chưa tìm được meme chất lượng rồi

Ai bảo meme không phải là cách tìm cảm hứng thiết kế thì chắc là chưa tìm được meme chất lượng rồi

Lý do thứ hai là bởi những meme về thiết kế thường được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật về ngành này. Đó có thể là những khó khăn trong ngành, những câu chuyện dở khóc dở cười, những lỗi cơ bản, những sai lầm phổ biến hay là cả cách những xu hướng thiết kế mới bị mang ra troll nữa. Mà nói đến “tụ điểm” về meme thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua trang này rồi.

6. Cách tìm cảm hứng thiết kế #6: Lướt Tóp Tóp

#learnontiktok từ lâu đã trở thành hashtag phổ biến trên khắp các trang mạng xã hội như một “biểu tượng” cho việc người dùng hoàn toàn có thể tiếp thu được những kiến thức ngay cả khi giải trí. Với dung lượng dài khoảng 45 giây đến hơn 1 phút, rất nhiều video tutorial đã trở thành cách học “nhanh-gọn-nhẹ” cho người mới bắt đầu. Tuy nhiên, cũng chính vì hình thức học theo kiểu “mỳ ăn liền” này nên khá nhiều mặt hạn chế cũng sẽ xuất hiện kèm theo.

Bạn cần phải để ý kỹ thời lượng sử dụng TikTok của mình nếu coi đây là cách tìm cảm hứng thiết kế

Bạn cần phải để ý kỹ thời lượng sử dụng TikTok của mình nếu coi đây là cách tìm cảm hứng thiết kế

Đầu tiên thì bạn có thể sẽ không bắt kịp được tất cả những thao tác được hướng dẫn trong video do thời lượng video quá ngắn khiến cho hầu hết mọi thứ đều được tua nhanh hơn. Điều này sẽ khiến bạn phải xem đi xem lại nhiều lần và có thể sẽ dẫn tới sự chán nản trong việc học. Bên cạnh đó, bạn cũng không thể tránh khỏi việc phân tâm bởi những video khác khi mà phần đề xuất của TikTok luôn làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc giữ chân người xem. Và dĩ nhiên, như người ta hay nói, bạn biết hậu quả của việc xem TikTok quá 180 phút mỗi ngày lớn đến mức nào rồi đấy.

7. Cách tìm cảm hứng thiết kế #7: Đi triển lãm

Bất kỳ một sản phẩm nào khi được trưng bày trong triển lãm thì ắt hẳn đã phải đạt đến một mức độ tinh xảo, hoàn thiện và đẳng cấp nhất định rồi phải không nào. Vậy thì hãy thử tưởng tượng xem, bạn sẽ được truyền cảm hứng đến nhường nào khi được đắm chìm vào không gian đầy ắp những sản phẩm như vậy đi.

Tham quan các triển lãm nghệ thuật là một việc nên được ghi vào checklist về những cách tìm cảm hứng thiết kế của bạn

Tham quan các triển lãm nghệ thuật là một việc nên được ghi vào checklist về những cách tìm cảm hứng thiết kế của bạn

Đặc biệt là ở Việt Nam hiện nay, khi hầu hết các triển lãm đều mở cửa tự do và không mất phí vào cổng, đây lại càng là một sự lựa chọn tối ưu nếu bạn vừa muốn có được cảm hứng thiết kế, mà lại vừa tiết kiệm được chi phí đó. Chưa kể đến việc khi được trực tiếp nhìn vào những bức tranh, bức ảnh tại đó, bạn sẽ cảm nhận được một cách trọn vẹn nhất sự kỳ công và tâm huyết mà các tác giả đặt vào “đứa con” của mình.

8. Cách tìm cảm hứng thiết kế #8: Đi ra quán cà phê

Đầu óc của chúng ta thường sẽ rơi vào trạng thái rối bời hoặc bế tắc mỗi khi bí ý tưởng. Vậy thì vào lúc đó, thay vì cố suy nghĩ trong vô vọng, hãy tạm gác lại công việc qua một bên để dành cho tâm trí một chút yên bình. Khi đó, cách “sạc năng lượng” hiệu quả nhất chính là ra quán cà phê đấy..

Tham quan các triển lãm nghệ thuật là một việc nên được ghi vào checklist về những cách tìm cảm hứng thiết kế của bạn

Ngồi ì một chỗ liên tục không phải là cách tìm cảm hứng thiết kế đâu

Hãy thử tìm một quán cà phê có không gian thật đẹp, thật rộng rãi, gọi một ly đồ uống thật ngon, rồi chọn một chiếc view thật “thanh cảnh” và thả mình vào tiếng nhạc du dương của quán. Nhiều khi chính vào những lúc bạn để cho tâm trí của mình được thả trôi một cách vô lo vô nghĩ như vậy, thì những ý tưởng tuyệt vời nhất lại đến đấy. Nếu được, thì hãy rủ thêm cả hội bạn của mình ra cùng vì rất có thể những cuộc trò chuyện tưởng chừng như chỉ để giải trí giữa các bạn cùng là sự khơi nguồn cho những ý tưởng độc đáo đó.

Tóm lại

Với 8 cách tìm cảm hứng thiết kế cho người mới bắt đầu, chúng mình hy vọng rằng bạn sẽ không còn rơi vào trạng thái bế tắc mỗi khi bị “deadline dí” nữa. Tuy nhiên, nếu các bạn đã đọc đến đây rồi thì chúng mình cũng bật mí một mẹo cực hay để tìm cảm hứng luôn, đó là tham gia trực tiếp các lớp học thiết kế. Vì đó chính là nơi bạn được khơi nguồn sáng tạo bởi đội ngũ giảng viên và các bạn học trong một không khí học tập đầy sôi nổi. Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một trải nghiệm. Hãy thử tự mình có được những điều trên khi đến với các lớp học tại colorME nhé.

Việt Hùng · 2022-07-22 09:45:06 · 6635 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội