Sự thật thú vị đằng sau những Logo nổi tiếng

Nhật Minh · 2018-05-15 11:26:11 · 11260 lượt xem
image - Sự thật thú vị đằng sau những Logo nổi tiếng

Logo là biểu tượng của thương hiệu, là bộ mặt của một công ty/doanh nghiệp. Nó truyền tải một thông điệp rõ ràng về công ty và lời chào hàng của công ty đó đến người tiêu dùng. Chính vì vậy nên các công ty hoặc tập đoàn lớn luôn sẵn sàng chi những món tiền khổng lồ để thiết kế logo riêng cho mình. Đó phải là một logo thực sự độc đáo để nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh, làm thế nào để nhìn vào, khách hàng nhận ngay ra bạn và món hàng công ty bạn chào bán, vậy là thành công.

Chúng ta nhìn thấy hàng trăm logo mỗi ngày, ở bất cứ đâu, trên những đoạn quảng cáo tivi, những tờ áp phích ngoài phố hay đơn giản là trên quần áo mặc hàng ngày. Tuy nhiên, trong số vô vàn những biểu tượng đó, chỉ có một số ít logo làm tốt nhiệm vụ của nó – để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của chúng ta. Nhìn những hình ảnh trừu tượng đầy màu sắc đó mỗi ngày nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi về những câu chuyện và ý nghĩa đằng sau nó?

1. Sự thật về quả táo cắn dở của Apple

Có lẽ cái tên Apple giờ đã gắn liền với xã hội ngày nay, bởi dù già trẻ gái trai thì ai ai cũng biết đến hình tượng quả táo cắn dở. Vậy câu chuyện về sự ra đời của logo huyền thoại này là gì?
Có rất rất nhiều câu chuyện đằng sau logo của hãng Apple, và giai thoại được nhiều người biết đến và tin tưởng trong thời gian dài là logo này được đội ngũ thiết kế của Apple tạo ra để vinh danh Alan Turing - người đàn ông huyền thoạt đã đặt nền móng cho máy tính hiện đại. Tuy nhiên ông lại bị hắt hủi và bị kì thị vì là người đồng tính. Quá đau khổ, ông quyết định cắn một quả táo độc để kết liễu cuộc đời mình. Chính vì vậy, khi Apple công bố logo hình quả táo, rất nhiều người đã tin rằng nó đại diện cho quả táo mà Turing đã cắn để kết thúc cuộc đời mình.
Bên cạnh đó, một thời gian sau lại xuất hiện những lời đồn thổi xung quanh hình ảnh quả táo của hãng công nghệ này. Người ta cho rằng: có 3 quả táo đã thay đổi toàn bộ thế giới. Quả táo đầu tiên là thứ trái cấm của ‘’Cây trí tuệ’’ trong câu chuyện Kinh thánh khởi nguyên Adam và Eva, tạo nên thế giới nhân loại hiện nay. Quả táo thứ hai là quả táo đã rơi trúng đầu Issac Newton, khiến cho ông nhận ra và chứng minh định luật vạn vật hấp dẫn, thay đổi ngành khoa học của nhân loại. Và cuối cùng là quả táo cắn dở của Apple, tạo nên cuộc cách mạng về công nghệ thông tin của con người.

Những câu chuyện sâu sắc, cảm động và đầy ý nghĩa đó đó thực chất lại KHÔNG phải là sự thật. Năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn với CreativeBits, Rob Janoff - người tạo ra biểu tượng của Apple, đã bác bỏ các huyền thoại liên quan tới sự ra đời của quả táo. Ông đề cập rằng, việc chọn lựa quả táo để đại diện cho đồ dùng công nghệ nhằm mục đích tạo cảm giác thân thiện, dễ sử dụng với người dùng. Bên cạnh đó, để phân biệt quả táo với các loại hoa quả khác cũng có dáng tròn với lá cây bên trên, Janoff đã thêm chi tiết miếng cắn trên logo để dễ nhận biết đó là quả táo. Một điều thú vị nữa, đó là khi bàn bạc với giám đốc sáng tạo, họ đã nhận ra rằng miếng cắn (Bite) cũng giống cách đọc trong tiếng Anh của từ Byte - thuật ngữ máy tính chỉ đơn vị dữ liệu lưu trữ! 

Câu chuyện thực sự là như vậy, thật đáng tiếc cho Alan Turing cùng với câu chuyện về 3 quả táo phải không nào? :)

2. Pepsi và dãy số bí ẩn?

Chúng ta lại đến với một câu chuyện ly kỳ và đầy tính kịch nữa xoay quanh thương hiệu nước giải khát PEPSI.
Để bắt đầu câu chuyện, bạn hãy kiếm ngay một lon hoặc chai PEPSI, soi hàng chữ PEPSI và trong gương bạn sẽ có được dòng số “bí hiểm” từ chữ Pepsi ngược: 12939. Nếu đây là ngày tháng năm theo cách viết của người Mỹ thì nó sẽ là ngày 9 tháng 12 năm 1939 - ngày mà Caleb Bradham sáng tạo ra cái tên PEPSI. Câu chuyện kể rằng năm 1939, Bradham muốn tạo một logo mới dễ nhớ về sản phẩm của mình. Nhưng sau bao tháng suy nghĩ, ông vẫn không chọn được 1 cái nào phù hợp. Vào một ngày mùa đông tuyết rơi ở New York, ông đang suy nghĩ về nó, bước ra ban công để tìm chút thư giãn. Ông lấy tay ghi lên ô cửa sổ ngày hiện tại, 12.9.39. Sau khi bước vào phòng và nhìn ra ban công, qua ô cửa kính, ông thấy những con số 12 9 39 hình như tạo nên 1 chữ gì đó. Bước lại gần để xem thì ông thấy đó là nguyên chữ PEPSI do đọc các con số ở mặt bên kia của ô cửa sổ. Do ô cửa sổ dính đầy tuyết nên các con số đã hiện ra rất rõ và qua cửa kính đã được nhìn ra thành chữ PEPSI. Một câu chuyện về sự trùng hợp khó tin và vô cùng bất ngờ phải không các bạn?
Thế nhưng, đó cũng chỉ là một giai thoại truyền miệng để khiến mọi thứ trở nên hợp lý hơn. Bởi thực chất, dãy số bí ẩn đó là một phần của chiến dịch marketing cực kỳ thú vị của PEPSI. Chi tiết ở đường link video này: https://www.youtube.com/watch?v=6AwnQsb2KCI
Hay lắm Pepsi!


Còn với câu chuyện về cái tên PEPSI, thì vào nằm 1893, một dược sĩ trẻ tên là Bradham bắt đầu thí nghiệm chế tạo một thứ nước giải khát mới toanh với thành phần từ hạt cây cola, vani, nước hương liệu… và lấy cái tên đầu tiên là ‘’Brad’s Drink’’ (đồ uống của Brad). Sau đó vào năm 1898 thì nó được đổi tên thành PEPSI-COLA: là sự kết hợp giữa ‘’pepsin’’ và ‘’cola’’. Brad tin rằng thức uống của anh ta sẽ giúp tiêu hóa giống như loại enzym pepsin có trong dạ dày (mặc dù enzym đó không có trong thành phần dồ uống)

3. Đáng lẽ Domino's Pizza phải có hàng nghìn chấm tròn !

Đến với câu chuyện về 3 chấm tròn trên logo của Domino’s Pizza, ít ai biết rằng nó xuất phát từ số cửa hàng ban đầu của hãng.  Nghe khá là hay ho đúng không, tiếp tục theo dõi nhé!
Domino’s ban đầu là cửa hàng pizza tên DomiNick, được mua lại bởi Tom Monaghan vào năm 1960. Năm năm sau, anh mở rộng thêm 2 địa điểm nữa. Người chủ trước của cửa hàng không đồng ý cho Monaghan sử dụng tên cũ để kinh doanh, nên theo gợi ý của một nhân viên, Monaghan đã đổi tên chuỗi cửa hàng thành Domino’s. Ba dấu chấm trên quân cờ domino – biểu tượng của hãng – tượng trưng cho 3 cửa hàng pizza đầu tiên khai sinh ra thương hiệu này.
Ông cũng dự định cho thêm một dấu chấm cho mỗi cửa hàng mới mỗi khi mở rộng kinh doanh thêm một cái. Nhưng công việc kinh doanh mở rộng đến mức Tom phải bỏ ý tưởng đó, vì nếu ông tiếp tục ý tưởng ban đầu của mình, bây giờ logo của Domino’s Pizza sẽ có tới hơn 13.000 chấm, nhìn như cái bánh đa vừng chứ không còn là bánh pizza nữa. Và đến nay, trải qua nhiều thay đổi về thiết kế, 3 dấu chấm nguyên thủy vẫn được giữ nguyên.

4. Logo hình chữ M của McDonald's không phải là chữ viết tắt của thương hiệu ?

Đến với câu chuyện của hãng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới, nhiều người hiểu là chữ “M” đại diện cho chữ cái đầu của tên công ty. Tuy nhiên, hình chữ M trong logo của McDonald’s hoàn toàn không liên quan gì đến tên của người đã khởi tạo đế chế đồ ăn nhanh góp phần đẩy nước Mỹ vào trạng thái béo phì và thèm khoai tây chiên này.
Chữ M này bát nguồn từ một trong những kiến trúc đầu tiên được McDonald sử dụng làm trụ sở của mình. Khi anh em Richard và Maurice McDonald quyết định nâng cấp một tòa nhà mới để vận hành nhà hàng hamburger của mình, họ đã thuê kiến trúc sư Stanley Clark Meston thiết kế tòa nhà. Richard đã vẽ một bản phác hoạ bao gồm hai cổng vòm hình nửa vòng tròn mà ông nghĩ là sẽ bắt mắt người qua đường. Kiến trúc sư sau đó đã hiện thực hóa chúng thành một cặp parabol bằng kim loại cao 25 feet nổi bật, ánh sáng neon, bằng vàng. Để dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng tới cổng parabol ở trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, nhưng cao tới 7,5m và bắt mắt hơn rất nhiều. Điều hay ho là khi nhìn từ một góc chéo, hai vòm vàng hội tụ lại với nhau để tạo thành một phiên bản được cách điệu của chữ “M.”
Vào năm 1962, với mục đích nâng cấp hình ảnh, công ty muốn tìm một logo mới (trước đó thì thiết kế đặc biệt của các vòm vàng đã được khéo léo kết hợp với logo của công ty). Fred Turner - chủ tịch đời kế của McDonald’s, đã phác hoạ ra một logo thô với chữ “V’’. Jim Schindler, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật, đã mở rộng phiên bản chữ “V” thành “M” và từ đó nó đã nhìn giống như một phẩn không thể thiếu ở mỗi cửa hàng McDonald’s ngày nay.
Một điều thú vị nữa, việc giữ nguyên hình ảnh chiếc cổng vòm màu vàng làm logo cho thương hiệu cũng nhờ sự tư vấn của chuyên gia Louis Cheskin. Ông lập luận cho rằng hình ảnh này lật ngược lại trông giống bầu ngực phụ nữ và gây cảm giác thèm ăn cho người mua, góp ích không nhỏ cho việc marketing sản phẩm của McDonald’s
Nói đến đây có vẻ khó tin với nhiều người, nhưng chắc chắn sau khi biết điều này, bạn sẽ nhìn chữ “M” đó theo cách hoàn toàn khác đó :)


5. Logo Walt Disney không phải là chữ ký của ông ấy !

Logo của Walt Disney được mọi người trên thế giới và ở mọi độ tuổi biết đến và công nhận một cách rộng rãi. Logo ban đầu của hãng phim hoạt hình này chỉ có những từ "Walt Disney Presents". Hình ảnh lâu đài mãi về sau mới được thêm vào sau.
Nhưng đó không phải là phần hấp dẫn. Hầu hết chúng ta đều tin rằng đó là chữ ký của Walt Disney xuất hiện trên logo, nhưng trên thực tế, đó là một phiên bản cách điệu từ chữ ký thực sự của Walt được tạo ra bởi một nhóm nghệ sĩ. Lý do đơn giản đó là ông quá bận!
Khi công ty bắt đầu phát triển, Walt đã không có nhiều thời gian để ký từng mẩu thư gửi từ fan hâm mộ mà ông nhận được. Thư ký của Walt và một số nhân viên khác là những người sẽ chăm sóc cho khoản thư tín của fan và ký tên thay mặt Walt. Điều này đã dẫn đến một tình huống éo le trong những năm 1940, khi mà chữ ký giả của Walt còn nhiều hơn so với bản gốc. Các nghệ sĩ đã tạo ra một phiên bản chữ ký thống nhất để tất cả mọi người sử dụng và ký theo, trong đó có cả Walt Disney. Phiên bản được cách điệu trở nên phổ biến đến nỗi nó chính Walt Disney cũng chấp nhận mất một thời gian khó khăn khi ký tên theo cách của người khác. Qua nhiều năm, Walt đã cố gắng để thay đổi chữ ký của mình để phù hợp với phiên bản cách điệu, nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy sự khác biệt nếu tinh ý một chút.
Đây quả thực là chủ doanh nghiệp nhọ nhất thế giới bởi đứng đầu cả công ty nhưng ông lại phải ký theo mẫu của nhân viên quy định :P

Nhật Minh · 2018-05-15 11:26:11 · 11260 lượt xem
Đánh giá bài viết

Inspiration of the day

Designers are meant to be loved, not to be understood.
Margaret Oscar, designer
Từ khóa nổi bật
Khoá học Photoshop Hà Nội