Comic Sans - Font đẹp nhất hệ Mặt Trời
Không cần phải nêu tên, chỉ cần nói "Font chữ bị ghét nhất mọi thời đại", tất cả mọi người sẽ đều nghĩ ngay đến Comic Sans. Tuy nhiên, để giải thích cụ thể tại sao font chữ lại nhận nhiều gạch đá từ dư luận đến vậy thì chúng ta không thể chỉ tóm tắt được bằng một hay hai câu văn ngắn gọn. Comic Sans quả là một kiểu chữ vô cùng đặc biệt và rất ít khi được nhắc đến như là một font chữ có tính ứng dụng thực tế, ngoài việc để đem ra chế giễu và đùa cợt. Có lẽ đã tới lúc chúng ta có một cách nhìn nhận nghiêm túc và khách quan hơn về font chữ đáng thương này.
Comic Sans được tạo ra như thế nào? Comic Sans ra đời với mục đích gì? Từ bao giờ mà Comic Sans lại bị ghét? Có thể bạn nghĩ bạn không cần phải biết những điều này, nhưng việc biết thì cũng đâu có hại gì bạn đâu nhỉ?
Mỗi khi bắt tay vào một dự án thiết kế mới, gần như không có một designer nào lại nghĩ Comic Sans là một typeface khả thi và phù hợp để sử dụng, nhưng điều đó có thực sự hợp lí hay không?
Người đàn ông mà bạn đang nhìn vào đây chính là Vincent Connare, một họa sĩ thiết kế chữ, làm việc tại Microsoft, nơi mà nhiệm vụ chính của ông là nghiên cứu và tạo ra các loại font chữ mới cho các phần mềm của công ty. Ông cũng chính là người đã thiết kế ra các loại font chữ nổi tiếng khác như Trebuchet và Webdings, tuy nhiên Comic Sans chắc chắn là sản phẩm có tiếng vang lớn nhất trong sự nghiệp của ông.
Là một font chữ với những đường nét vô cùng ngẫu hứng, dựa trên các quyển truyện tranh vào thời kì đó, Comic Sans không hề tuân thủ theo các quy tắc thiết kế chữ đương thời. Với mục đích là tạo ra font chữ cho phần mềm Microsoft Bob, một ứng dụng ngộ nghĩnh nhằm hỗ trợ người dùng tương tác với hệ điều hành, Connare đã suýt rất thành công, chỉ tiếc là không lâu sau đó, Microsoft Bob nhanh chóng bị tẩy chay và xóa bỏ. Ngay từ khi nó ra đời, Comic Sans đã không được sử dụng cho đúng mục đích ban đầu của nó.
Tuy nhiên, không vì thế mà Comic Sans bị rơi vào quên lãng. Các nhân văn văn phòng của Microsoft dần dần được biết đến một kiểu chữ nghịch ngợm, vui tươi và phá cách. Họ nhanh chóng trở nên thích Comic Sans, và họ sử dụng nó cho các loại thiệp và tin nhắn cho các sự kiện tiệc tùng. Không thể phủ nhận rằng: khi đứng giữa một rừng các loại font nghiêm túc và khô khan của những năm 94, Comic Sans là một lựa chọn hoàn hảo, nhất là khi chúng ta nhận ra rằng vào thời điểm đó, mỗi khi bắt tay vào soạn thảo văn bản, người dùng cần phải lựa chọn font chữ trước, bởi vì sau khi đã gõ là không thay đổi được.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Comic Sans chính thức trở thành một font có sẵn trong hệ thống của hệ điều hành Windows 95. Và bắt đầu từ đây, mọi người ghét Comic Sans.
Comic Sans bắt đầu xuất hiện ở tất cả mọi nơi, kể cả những nơi không hề phù hợp gì cả, với lí do duy nhất là: "Trông nó hay hay.” Thậm chí có thể tìm thấy cả những bản cáo phó viết bằng Comic Sans. Bất kì ai cũng thích những thứ đặc biệt một chút, không ai thích mọi ấn phẩm mình làm ra đều chỉ có xoay quanh Arial và Times New Roman, mà thời điểm đấy thì chúng ta đâu có nhiều lựa chọn như bây giờ.
Mặc dù được tạo ra dành cho một tập đối tượng khác, nhưng sự ra đời của Comic Sans đã vô tình lấp một khoảng trống rất lớn trong nhu cầu của mọi người thời đấy, đó chính là trở nên khác biệt. Buồn cười thay, trong sự cố gắng để tách biệt bản thân khỏi cái thông thường, đa số mọi người lại đều đi cùng một hướng. Tệ hơn nữa, sau khi Comic Sans trở nên nổi tiếng, ai cũng muốn mình được là một phần của cuộc vui, và lại càng thêm nhiều người sử dụng Comic Sans cho tất các thể loại văn bản và thiết kế, chỉ để có thể cảm giác mình là một phần của số đông.
Chính sự lạm dụng quá sức tưởng tượng này đã khiến Comic Sans bị mọi người căm ghét, đặc biệt là giới designers, bởi vì đây thực chất là một font chữ rất kén người dùng. Nó chỉ thực sự phù hợp trong một số ít các trường hợp, tuy nhiên lại được sử dụng như là một font chữ mặc định vậy. Thậm chí, theo nghiên cứu của công ty in Pixartprinting, Comic Sans khi in ra tốn mực hơn nhiều so với các typeface khác như là Helvetica, Calibri và Garamond. Tóm lại, Comic Sans được tạo ra để phục vụ cho một thị trường ngách, nhưng rồi lại được bày bán ở khắp mọi nơi như một mặt hàng thiết yếu.
Vậy tóm lại chúng ta nên cảm thấy như thế nào về Comic Sans? Điều này phụ thuộc vào bạn mà thôi. Bạn có thể ghét nó, bạn có thể thích nó, nhưng hãy yêu ghét một cách khách quan, đừng làm vậy vì người khác làm vậy.
Cách đây 2 năm, có một dự án mang tên Comic Sans For Cancer, nhân dịp 20 năm ra đời Comic Sans. Được tổ chức dưới quy mô của một triển lãm tranh áp phích lấy cảm hứng từ Comic Sans, dự án thu hút hơn 500 designers và họa sĩ tạo ra các ấn phẩm để thể hiện cảm nghĩ của họ về loại typeface vô cùng đặc biệt này. Triển lãm đã thu về tổng cộng là 12,000 đô New Zealand và số tiền này đã được sử dụng để nghiên cứu cách chữa bệnh ung thư. Trong ảnh là một số posters đã được trưng bày ở triển lãm.
Rõ ràng, Comic Sans đã để lại ấn tượng sâu trong lòng tất cả mọi người, dù họ có làm việc trong ngành thiết kế hay không. Hy vọng rằng trong tương lai, thế giới sẽ bắt đầu có một cách nhìn nghiêm túc hơn với Comic Sans và không còn ghét bỏ typeface tội nghiệp này nữa.
Font chữ không có lỗi, lỗi ở người design.