Máy Film Nikon - những cỗ máy bền bỉ và thiện chiến bậc nhất!
Máy film Nikon là lựa chọn hàng đầu của người chơi ảnh film, dù mới bắt đầu hay đã là “lão làng”. Điều gì đã khiến những chiếc máy cổ kính này tiếp tục được ưa chuộng và sử dụng tới ngày nay? Cùng ColorME tìm hiểu ngay về máy film Nikon và đại diện ưu tú - Nikon FM để tìm ra lời giải đáp nhé!
- Vintage là gì? 5 điều cần biết về phong cách vintage trong thiết kế đồ hoạ
- Khám phá mỹ thuật nền tảng để chinh phục ngành sáng tạo
- 5 Podcast bổ ích cho Designer
- Máy Film Nikon - những cỗ máy bền bỉ và thiện chiến bậc nhất!
- Poster Phim - Nguồn cảm hứng vô tận cho Designer nghiệp dư
- 3 cách chỉnh màu ảnh trong Photoshop cực đơn giản cho người mới bắt đầu
I. Tổng quan về máy film Nikon
I.1. Lịch sử của máy film Nikon
Nikon (ban đầu tên Nippon Kogaku Kogyo) là hãng sản xuất máy ảnh và ống kính nổi tiếng của Nhật Bản, ít ai biết rằng đây là công ty con của tập đoàn Mitsubishi.
Hãng được thành lập năm 1917, ban đầu sản xuất và thiết kế các dụng cụ quang học như kính trắc viễn và kính hiển vi. Sau nhiều năm nghiên cứu và học hỏi từ châu Âu, hãng đã cho ra đời chiếc Nikon Model I vào năm 1948. Những năm sau đó khi bắt đầu sản xuất dòng máy ảnh SLR (single lens reflex) thì Nikon dần trở thành 1 thế lực trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực này.
Vài cột mốc đối với những chiếc máy film Nikon nổi tiếng:
- 1959: Máy ảnh Nikon F - chiếc máy SLR đầu tiên của hãng ra đời. Đây cũng là người bạn thân quen với các nhiếp ảnh gia chiến tranh ở Việt Nam
- 1971: Nikon F2, bản nâng cấp xứng đáng của Nikon F với chất lượng cao, hoạt động dễ và tự động hơn, nhanh hơn để chụp.
- 1977: Nikon FM, đại diện máy ảnh cơ khí hoàn toàn (full cơ) ưu tú, được tin dùng đến tận ngày nay.
- 1978: Nikon FE, máy ảnh cơ bán tự động, gần giống Nikon FM nhưng có chế độ AUTO; lựa chọn hàng đầu cho người mới chơi máy film Nikon.
- 1980: Nikon F3, máy ảnh cơ chuyên nghiệp, bán tự động; có màn trập điện tử và cảm biến hiện đại mới nhất lúc bấy giờ.
- 1988: Nikon F4, máy ảnh chuyên nghiệp với thiết kế với báng cầm bắt đầu tách dần dáng vẻ của một chiếc máy film cổ điển. Hệ thống lấy nét tự động AF của Nikon F4 được coi là tiên tiến và đáng tin cậy nhất ở thời điểm đó.
I.2. Đặc điểm và thông số máy film Nikon
- Màu sắc: chủ yếu là màu đen (black) và bạc (chrome). Vài phiên bản đặc biệt sẽ có màu Gold như Nikon FA Grand Prix 1984 hay màu Champagne như Nikon F3T.
- Chất liệu: chủ yếu là titan/ hợp kim/ thép (các phiên bản dùng trong chiến tranh), cũng có body plastic (nhựa) ví dụ như Nikon FM10, Nikon FE10.
- Hệ thống ngàm thống nhất: ngàm F, phát triển từ khi Nikon F ra đời (1959) và tồn tại cho tới ngày nay.
Ngàm là phần kết nối body máy ảnh và ống kính, phải cùng dạng ngàm mới kết nối với nhau được. Nếu khác loại thì phải cần thêm 1 bộ phận ngàm chuyển.
- Trọng lượng: từ khoảng 590g tới hơn 1000g tùy máy. Vì thế người lựa chọn sử dụng máy film Nikon chủ yếu là nam giới.
- Giá cả: do chất lượng tốt nên các sản phẩm máy film Nikon thường có giá nhỉnh hơn các hãng khác. Có thể nói, trong giới chơi máy ảnh film, ngoài các máy ảnh Leica của Đức (mức giá cao tới hàng ngàn đô la) ra thì “không ai bỏ được Nikon”.
II. Tại sao máy film Nikon được yêu thích?
II.1. Hệ sinh thái máy film Nikon
Hệ sinh thái này bao gồm các body máy film và ống kính với số lượng cực kì lớn. Nikon đã cho ra mắt hơn 60 mẫu máy trong vòng 45 năm (1959-2004) và hệ thống ống kính MF, AF với chất lượng quang học cực kì tốt, sắc nét (hơn 400 chủng loại khác nhau).
Và như đã chia sẻ ở trên, hệ thống ngàm F thể hiện một tầm nhìn tuyệt vời của hãng: cho tới ngày nay, ta dễ dàng lắp được ống kính MF của Nikon vào máy DSLR (máy kỹ thuật số) và ngược lại là lắp các ống kính AF vào máy film Nikon.
Điều này cực kì thuận tiện và kinh tế khi bạn có thể chuyển từ máy film sang máy kỹ thuật số mà vẫn dùng được các ống kính máy film và ngược lại. Do đó bạn không cần phải bán ống kính đi mà vẫn có thể sử dụng trong hệ sinh thái Nikon một cách dễ dàng!
Nhờ số lượng và độ phổ biến nên bạn cũng có thể dễ dàng tìm mua theo mẫu mã và tiêu cự ưng ý do số người sử dụng và nguồn cung máy film Nikon vẫn còn tương đối nhiều!
II.2. Sự bền bỉ tuyệt vời của máy film Nikon
Thiết kế cứng cáp và linh kiện bền bỉ giúp cho máy film Nikon hoạt động tốt dù cho đã 40-50 năm trôi qua. Sự bền bỉ và ổn định trở thành điểm cộng lớn cho máy film Nikon đối với người mới, chúng ít bị hỏng lỗi vặt như các hãng khác; ngoại hình sương gió theo thời gian cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của máy mà chỉ tăng sự hoài cổ mà thôi.
Máy film Nikon từng được sử dụng trong chiến tranh, từng mang lên vũ trụ nên sự bền bỉ của nó là không phải bàn cãi!
II.3. Kiểu dáng quyến rũ của máy film Nikon
Ngoại hình cũng là một điểm cộng của máy film Nikon. Màu đen lịch lãm chuyên nghiệp hay màu bạc trẻ trung quyến rũ đều có thể khiến người yêu sự hoài cổ dễ dàng siêu lòng. Lớp phủ màu đen trên thân máy không bị xuống cấp và bong tróc theo thời gian như công nghệ giả da ở các thiết bị tương tự.
Bề ngoài cứng cáp, góc cạnh nhưng không vì thế mà thiếu đi sự tinh tế, chúng có khả năng thu hút mọi ánh nhìn tò mò và ngưỡng mộ; đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, khi sự vô hồn, cục mịch và thiếu chắc chắn là điều chúng ta thường gặp ở những chiếc máy DSLR.
III. Máy film Nikon FM
Nikon FM là chiếc máy ưu tú trong phân khúc “bình dân” nên được rất nhiều người tin tưởng sử dụng. Mình sẽ lựa chọn chiếc máy film Nikon tiêu biểu này để giới thiệu kỹ càng với các bạn nhé!
III.1. Tổng quan về của máy film Nikon FM
- Máy SLR (single lens reflex) sử dụng film 35mm
- Máy ngàm F, chất liệu hoàn toàn kim loại (hợp kim nhôm - đồng).
- Máy nặng 590 gram (chưa kèm ống kính).
- Có 2 phiên bản là Black (đen) và Chrome (bạc)
- Sản xuất từ năm 1977 đến 1982 tại Nhật Bản.
- Nikon FM ra đời nhằm đánh vào phân khúc bình dân với mức giá mềm hơn so với dòng máy chuyên nghiệp lúc bấy giờ là Nikon F2.
- Chỉ có thể lấy nét thủ công (manual focus - MF) và điều chỉnh ảnh sáng thủ công (manual exposure control), không có chế độ Auto.
- Nikon FM là máy hoàn toàn cơ khí (Full Mechanics chăng), có thể chụp mà không cần pin.
- Cơ chế đo sáng trung tâm 60/40. Có đèn LED màu đỏ báo đo sáng trong khung ngắm. View ngắm rất sáng sủa.
- Màn trập Titan, tốc độ màn trập cho phép là từ 1 giây đến 1/1000 giây. Bản nâng cấp là Nikon FM2, cho phép tốc độ lên tới 1/4000s.
- Nikon FM bán rất chạy so với các dòng máy đối thủ ra mắt cùng thời điểm như Pentax MX (1977), Olympus OM-1N (1979). Khi đó Nikon FM cũng là máy “sơ cua” cho nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng Nikon F2 và F3.
III.2. Trải nghiệm sử dụng máy film Nikon FM
Mình đã sử dụng một chiếc Nikon FM được khoảng 2 năm rồi nên sau đây sẽ có đánh giá trải nghiệm thực tế cho các bạn nhé!
- Máy tương đối gọn, có thể đựng trong túi máy ảnh mirrorless với khoảng 3-4 cuộn film nữa.
- Cảm giác cầm nắm rất đầm tay, khác hẳn khi cầm máy Minolta, Olympus, Canon cùng phân khúc.
- View ngắm sáng sủa hơn hẳn các dòng máy như Minolta, Olympus, Pentax.
- Thường khi mua phiên bản Black giá sẽ nhỉnh hơn phiên bản Chrome, chắc do ngầu hơn chăng?
- Máy rất bền và gặp trục trặc rất ít (chỉ bị treo gương 1 vài lần). Khi hết pin vẫn có thể chụp bình thường vì pin chỉ để đo sáng.
- Giá cả hiện tại: body máy tình trạng từ trung bình đến đẹp rơi vào khoảng 2.000.000đ - 3.000.000đ (87 - 130 USD), khá mềm để bắt đầu một thú chơi "gây nghiện" không lối thoát: nhiếp ảnh film!
Người mới sẽ thường phân vân giữa Nikon FM và Nikon FE vì thực sự 2 chiếc máy ra đời cách nhau 1 năm này có nhiều điểm tương đồng và cùng phân khúc bình dân. Mình đã có cơ hội sử dụng cả 2 máy nên sẽ so sánh luôn giúp mọi người:
Đánh giá: Nikon FE giúp người mới dễ làm quen hơn, tính năng nhỉnh hơn 1 chút còn Nikon FM đem lại cảm giác bền bỉ, đáng tin tưởng, bớt lo âu hơn.
TẠM KẾT
Trên đây mình đã giới thiệu với các bạn về dòng máy film Nikon và đại diện tiêu biểu: Nikon FM. Chơi Film nói riêng và nhiếp ảnh nói chung đều cần tìm hiểu nhiều thứ và thiết bị chỉ là một phần trong số đó. Nếu bạn muốn tìm hiểu về cách sử dụng máy ảnh, tư duy chụp ảnh và chỉnh màu thì đừng ngần ngại tham khảo khóa học Photography cơ bản của ColorME nhé!