Những điều các Designers trẻ nên biết từ khi bắt đầu
Content tháng 12
- Thiết kế hình ảnh hiệu quả trong Digital ad
- Pantone · màu của các năm
- Designer · trước và sau khi làm nghề
- Nhìn Lại Kỳ Bộ Nhận Diện Olympic Paris 2024. Designer Học Được Điều Gì?
- Cách khắc phục lỗi "Could not complete your request because of a program error"
- Những lỗi cơ bản trong thiết kế newbie dễ mắc phải và cách khắc phục
Đối với bất kì công việc nào, khi mới lần đầu bước vào nghề, ai cũng sẽ gặp phải những trở ngại và khó khăn. Đối với ngành thiết kế, có những bài học xương máu mà đôi khi chúng ta chỉ nhận thức được khi đã lăn trải trong nghề được lâu năm. Điều quan trọng là luôn ghi nhớ những bài học đó và cố gắng biến chúng thành thói quen có thể để cho bản thân cơ hội được tiến xa hơn.
Nội dung – Thiết kế: Hoàng Hiệp
Nguồn cảm hứng: r/graphic_design
Thiết kế không phải là biến tầm nhìn của bản thân thành hiện thực, thiết kế là biến tầm nhìn của người khác thành hiện thực. Bạn không được trả tiền chỉ để làm ra thứ mình muốn. Vì vậy hãy cố gắng gạt cái tôi của mình ra một bên để có thể đưa tới cho khách hàng sản phẩm tốt nhất mà họ cần.
Có rất nhiều người khi bắt đầu đều nghĩ rằng mình là dân sáng tạo, mình có quyền “quái” trong sản phẩm của mình, nhưng bạn có chắc rằng người trả tiền cho bạn muốn điều đấy?
Không có ai được quyền đòi thời gian và sự lao lực của người khác mà lại không phải bồi thường cái gì đó. Nếu bạn có thể làm ra một sản phẩm tốt và người khác thu lại lợi nhuận từ việc đó, không có lí do gì bạn lại không được nhận một đồng lương.
Một designer có thể tạo ưu đãi, thậm chí làm từ thiện, nhưng đừng lầm tưởng đó là lẽ đương nhiên và thường tình. “Kinh nghiệm” không trả được tiền nhà và mua được thức ăn, nên kể cả dù bạn là “lính mới”, cũng đừng hạ thấp bản thân mình bằng cách bán trắng công sức của mình.
Một designer thì không bắt buộc phải biết vẽ thì mới có thể làm thiết kế tốt, nhưng thao tác phác thảo trên giấy là một cách rất hiệu quả để minh họa và xem trước ý tưởng trong đầu. Đôi khi chúng ta còn không biết chính xác được mình muốn gì cho tới khi mình vẽ ra trên giấy.
Không, bạn không cần phải vẽ thật đẹp. Designers và họa sĩ là hai khái niệm khác nhau. Nhưng bạn cũng nên rèn luyện thói quen vẽ thật nhiều, và cố gắng vẽ đủ chi tiết để cụ thể hóa bức tranh trong đầu của mình. Đây sẽ là nền móng quan trọng cho tác phẩm cuối cùng của bạn.
Tập trung và xây dựng kỹ năng thiết kế mình đang có lên một cấp độ hoàn hảo là điều đáng khen, nhưng không ai có thể sống sót trong một thế giới không ngừng đổi thay chỉ với một lĩnh vực chuyên môn cả. Việc trang bị cho mình thêm những kỹ năng bổ trợ sẽ vừa nâng cao hiểu biết tổng hợp, vừa gia tăng cơ hội thích nghi.
Lời khuyên này thực chất có thể được áp dụng cho tất cả những người trẻ đang chuẩn bị bước chân vào một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhưng lại càng đặc biệt quan trọng với các designers mới bắt đầu, bởi vì đôi khi họ quên mất rằng, mới 10 năm trước đây thôi, phần đông dân số đều không nghĩ thiết kế là một công việc nghiêm túc. Thị trường luân chuyển rất nhanh, và bạn không thể chỉ chạy đua bằng một chân được.
Đối với những ai đang bắt đầu thiết kế, có lẽ bạn cũng nên bổ sung kiến thức về nhiếp ảnh, lập trình, marketing, thậm chí kinh tế. Tất cả những ngành này đều có một mối quan hệ chặt chẽ với thiết kế, và chắc chắn sẽ trở thành thứ vũ khí bí mật quan trọng trong cuộc chiến sắp tới. Một người chỉ biết thiết kế sẽ không có giá bằng người biết cả thiết kế và lập trình.
Hành trình này còn rất dài và nhiều chông gai. Ai mà biết được thử thách gì đang đợi ta phía trước. Vì vậy mà bài học quan trọng nhất mà bạn vẫn cần phải rút ra, đó là không từ bỏ khi va chạm với khó khăn.
Những thiên tài và huyền thoại không được biết đến bởi vì họ sinh ra đã thành công. Họ leo từng nấc thang một trong gian khổ và mồ hôi nước mắt, và quan trọng hơn hết là họ vẫn tiếp tục leo kể cả sau khi ngã xuống. Thế giới sẽ không nhớ đến phát minh không thành công đầu tiên của Edison, cũng như những bức tranh bị vứt bỏ của da Vinci. Nếu họ bỏ cuộc ngay sau khi chạm mặt với thất bại thì thế giới liệu đã có thể có bóng đèn hay Mona Lisa không?
Bỏ cuộc chính là từ chối bản thân cơ hội được thành công. Nếu bạn có đam mê với thiết kế và bạn tin rằng đây là công việc bạn muốn làm, thì hãy sẵn sàng lao đầu vào và dồn hết sức lực để đạt được thành công.
Hãy đứng dậy sau mỗi cú ngã và một ngày khi nhìn lại, bạn sẽ nhận ra mình đã cách xa điểm bắt đầu rồi.