Chụp Film cho người mới bắt đầu: Film Outdate
Film Outdate (expired film) là film đã quá hạn sử dụng theo quy định của nhà sản xuất. Khi đó, độ nhạy sáng của film cũng như những mức độ xử lý màu sẽ không còn đủ chuẩn. Vậy liệu người mới bắt đầu có nên chụp Film đã hết hạn?
- Quy trình thiết kế đồ họa
- Lỗi không mở được Illustrator CC 2017 và cách khắc phục đơn giản
- Hướng dẫn tự học thiết kế đồ họa cơ bản (Phần 2)
- Phong trào Bauhaus là gì? Ảnh hưởng của Bauhaus đến lĩnh vực thiết kế đồ hoạ
- 07 Tips giúp bạn làm việc với Illutrator nhanh hơn
- Responsive Logo · hướng tiếp cận mới cho thiết kế nhận diện thương hiệu
Film outdate là gì?
Film outdate hay còn gọi expired film, hiểu một cách đơn giản là film hết hạn. Đối với các sản phẩm thịt cá trứng sữa hàng ngày, mỗi thứ đều sẽ có một thời lượng sử dụng nhất định và film cũng không phải là ngoại lệ. Dựa vào tính chất của những lớp hóa học được tráng phủ lên film, nhà sản xuất sẽ quy định một lượng thời gian nhất định để film có chất lượng tốt nhất. Sau thời gian này nếu film vẫn chưa được sử dụng thì chất lượng màu sắc của film sẽ không được đảm bảo như ban đầu, những lớp hóa học sẽ bị giảm chất lượng. Một vài hệ quả có thể kể đến đó là ảnh bị sai màu, hạt sạn của film quá lớn đến mức còn không thể nhìn rõ điểm nét, điểm mờ,...
Kodak Gold Date 2013
Film outdate ngày càng được ưa chuộng, vì những lí do cũng không quá khó hiểu, không chỉ vì tình yêu dành cho sự "vintage" của film outdate mang lại, tâm lý muốn "thử cho biết", hay tính kinh tế vì film outdate rẻ hơn một vài (hoặc nhiều) phần so với film indate cùng loại. Nhưng mặt khác, đối với các cuộn film cực hiếm phục vụ cho nhu cầu sưu tầm, giá thành của những cuộn film đó lại thường khá cao và đi kèm với đó là mức độ "rủi ro" vô cùng cao khi chụp.
Khi đặt 2 tấm ảnh giữa 2 cuộn indate và outdate cạnh nhau, cùng thông số, điều kiện ánh sáng, điều dễ nhận thấy nhất là những hạt sạn của film outdate sẽ to và rõ hơn, không thể mịn bằng tấm chụp bằng cuộn indate.
Đôi khi thật khó để nhận ra điểm nét trên những tấm ảnh này là ở vị trí nào.
Chụp film outdate như thế nào?
Đối với những cuộn film bình thường, trong điều kiện bảo quản với độ ẩm và ánh sáng tốt, lớp hóa chất trên film vẫn sẽ được đảm bảo để cho ra màu sắc chuẩn theo định hướng của nhà sản xuất. Nhưng mặt khác, đối với film outdate, khi lớp hóa chất được phủ lên film đã ít nhiều thay đổi dưới sự tác động của thời gian, nhiệt độ, độ ẩm thì cách set up, đong đếm ánh sáng trước và trong lúc chụp cũng cần có những sự điều chỉnh nhất định.
2 bức ảnh cùng chụp một địa điểm, cách nhau chỉ một vài giây bấm máy nhưng một tấm dư sáng ít và một tấm dư sáng nhiều đã cho ra 2 màu khác hẳn nhau. (Kodak gold 100, Date 2012)
Đối với những cuộn film mới hết hạn (khoảng từ 6 tháng, 1-2 năm) với điều kiện bảo quản khô ráo, sạch sẽ thì vẫn có thể chụp như bình thường, theo mức ISO ghi trên vỏ hộp. Đối với những cuộn đã quá hạn từ 5-10 năm thì nên set ISO giảm đi một nửa so với ISO của cuộn film. Ví dụ như cuộn Kodak Gold 200 date 2013, 2019 bỏ ra chụp thì nên set về ISO 100. Bởi lẽ, dưới sự tàn phá của thời gian, lớp hóa chất đóng vai trò như bộ cảm biến cho độ nhạy sáng của film đã bị lão hóa nên điều nên làm đối với film outdate là luôn chụp dư sáng ra một chút để có thể có những khung hình trông tạm thời tử tế. Còn đối với những cuộn đã outdate hơn 10 hoặc 15 năm thì dù với điều kiện bảo quản tốt, độ ẩm, nhiệt độ vừa phải thì cũng khó có thể cho ra những "con ảnh" đúng màu.
Và lại có những tấm ám một màu hồng mộng mơ đến thế này mặc dù chắc chắn là chụp nắng vàng.
Người mới chụp có nên chụp film outdate hay không?
Dựa theo kinh nghiệm của bản thân mình và những câu chuyện được những người bạn xung quanh kể lại thì, một lời khuyên chân thành dành cho những "newbie" là chưa nên chụp film outdate ít nhất là khi mới chập chững vào công cuộc phơi sáng loại hóa chất này. Bởi một lí do to đùng, đối với film outdate, sự ổn định trong màu sắc, sáng tối và độ tương phản là chưa bao giờ chắc chắn. Chưa kể tới những rủi ro khi mua film outdate thường gặp phải như những lô film chiết, những pack film lậu không rõ nguồn gốc, điều kiện bảo quản không đảm bảo, hay những phi vụ tráo mác, gắn tag film giả,... đều là những chuyện xảy ra như cơm bữa. Hơn nữa, một lí do vô cùng rõ ràng: "tiền nào của nấy" không nên quá ham rẻ mà mua những lô film kém chất lượng để rồi ánh sáng màu sắc không còn đúng chuẩn, sai lệch quá mức và khó có thể rút kinh nghiệm cho những cuộn film tiếp theo.
Người mới bắt đầu nên dùng film gì? Đọc thêm về phân loại film.
Những vệt lọt sáng không phải do buồng máy hở tạo nên mà chỉ có film outdate mới có.
Tuy nhiên, khi đã dấn thân vào con đường chụp film, ít ai có thể cưỡng lại "sự quyến rũ" của film outdate nhưng đó là một cuộc chơi may rủi, đôi khi là "một đi không trở lại" ngay cả đối với những bậc thầy chụp film. Nhưng một lần nữa, nếu đã trót dại chụp film thì chẳng có lí do gì mà không thử chụp film outdate dù chỉ một lần trong cả sự nghiệp cầm máy.
----------
Hãy tham gia khóa học nhiếp ảnh ở colorME để được biết thêm nhiều điều thú vị nữa nhé: https://colorme.vn/course/photography